Biển Đông là một trong năm khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu trong năm 2015. Hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, cung cấp công ăn việc làm cho hơn 3,7 triệu người. Tuy nhiên, hệ sinh thái biển quan trọng này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc đánh bắt cá quá mức.

{keywords}
Ngư dân đang đối mặt nguy cơ lao động vất vả hơn nhưng lượng cá ngày một suy giảm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ (CSIS), tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong vòng 20 năm qua. Việc đánh bắt sò tai tượng, nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo trong những năm gần đây đã hủy hại hơn 160 km2 rạn san hô, với tỷ lệ bình quân là 16%/thập kỷ. Toàn bộ nghề cá Biển Đông, với số liệu chính thức là kế sinh nhai của hơn 3,7 triệu ngư dân và giúp cung cấp thực phẩm cho hàng trăm triệu người, đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá nếu các nước trong khu vực không hành động kịp thời để giải quyết sự sụt giảm này.

Điều 123 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UCNLOS) quy định rằng các quốc gia xung quanh vùng biển nửa kín như Biển Đông có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường biển và quản lý nguồn cá. Điều 192 UNCLOS quy định nghĩa vụ chung cho các quốc gia “bảo vệ và bảo tồn môi trường biển”.

Khác với việc khai thác dầu khí chỉ có thể thực hiện dựa trên quyền chủ quyền của quốc gia ven biển với thềm lục địa, nghĩa vụ cùng nhau quản lý nguồn tài nguyên sinh vật biển khiến cho việc quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường trở thành một lĩnh vực dễ thúc đẩy hợp tác hơn ở Biển Đông.

Tuy nhiên, hợp tác bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông là một trong những thách thức lớn đối với khu vực và là nguồn gốc nhiều sự cố trên biển trong thời gian gần đây.

Tại một hội thảo về Biển Đông tổ chức ở Việt Nam tháng 11, nhiều học giả thống nhất đánh giá những vấn đề an ninh phi truyền thống như tình trạng cạn kiệt tài nguyên biển, đánh cá bất hợp pháp, nạn cướp biển, khủng bố và các loại tội phạm trên biển là những lý do mới xuất hiện làm trầm trọng thêm xung đột ở Biển Đông.

Riêng lĩnh vực đánh cá trái phép, các nước trong khu vực, đặc biệt là Indonesia đã áp dụng những biện pháp mạnh như cho đánh đắm tàu vi phạm để ngăn chặn tình trạng này, song số liệu trên thực địa cho thấy tình trạng không được cải thiện. Hàng năm vẫn có hàng trăm lượt tàu thuyền đánh cá trái phép trong vùng biển Indonesia bị bắt giữ. Một số vụ bắt giữ tàu cá trái phép đã dẫn đến căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước như vụ tàu chấp pháp Indonesia bắt giữ tàu cá của Trung Quốc tháng 3/2016.

{keywords}
Ngư dân ở cảng cá Navotas lớn nhất Philippines.

 

Hợp tác để bảo vệ tài nguyên khu vực

Thực tế đó cho thấy chấm dứt tình trạng đánh bắt cá trái phép để ngăn chặn triệt để tình trạng suy thoái nguồn tài nguyên biển là công việc đòi hỏi sự hợp tác của các nước. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia trong khu vực hợp tác giải quyết xung đột và phát triển bền vững. Vì thế, các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông nên chuyển hướng tiếp cận từ chú trọng tới góc độ chủ quyền truyền thống sang góc độ hợp tác, đặc biệt để bảo vệ các nguồn tài nguyên trong khu vực.

Nhiều sáng kiến đã được các học giả nêu lên nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ở Biển Đông chống đánh bắt cá trái phép và quản lý nghề cá ở Biển Đông. Ở cấp độ khu vực, các nước có thể hợp tác kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên cá thông qua việc thành lập một tổ chức nghề cá khu vực. Thực tiễn nhiều khu vực trên thế giới đã thiết lập các tổ chức nghề cá khu vực như Ủy ban nghề cá Đông bắc Atlantic (NEAFC), thỏa thuận nghề cá Nam Ấn Độ Dương (SIOFA).

Ở cấp độ quốc gia, các nước ven bờ cần tăng cường khả năng kiểm soát trên biển và có các quy định mạnh để đối phó hoạt động đánh cá bất hợp pháp. Đồng thời, các nước xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, tuyên truyền phổ biến luật pháp tới người dân nhằm hạn chế tối đa hoạt động đánh cá bất hợp pháp ở Biển Đông.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với hợp tác nghề cá ở Biển Đông là việc các nước chưa đạt được thỏa thuận về phạm vi quyền đánh cá. Do đó, trong thời gian tới, các nước trong khu vực cần đàm phán về khu vực đánh cá truyền thống ở Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các kết luận của phán quyết của Tòa trọng tài tháng 7/2016. Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho việc thiết lập các cơ chế hợp tác khu vực kiểm soát hoạt động đánh cá trên thực địa.

Đông Hà - Diệu Thúy