- Các xu hướng công nghệ mới như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, điện toán di động và mạng xã hội đang làm thay đổi toàn diện quy trình hoạt động của các ngân hàng Việt Nam.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.C

Theo các chuyên gia, các dịch vụ tài chính đang trở thành một nguồn doanh thu mới bên cạnh các kênh tín dụng truyền thống. Nắm bắt được xu thế này, các ngân hàng đã tích cực đầu tư nâng cấp, ứng dụng công nghệ phát triển các kênh dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại như Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, các dịch vụ thẻ. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thị trường VN hiện đã có 52 tổ chức phát hành thẻ với 57,1 triệu thẻ, 14.300 máy ATM và hơn 101.000 điểm POS.

Tuy nhiên, với nhiều kênh phân phối dịch vụ như vậy thì khả năng tích hợp và quản lý hiệu quả hệ thống các kênh này sẽ quyết định sự thành bại của một ngân hàng. Khi sử dụng nhiều kênh phân phối, các ngân hàng cần đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng nhất trên mọi kênh phân phối để trải nghiệm của khách hàng không bị gián đoạn khi chuyển từ kênh phân phối này sang kênh phân phối khác.

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng trong khu vực đang đối mặt với sức ép chung khi tình trạng lợi nhuận kinh doanh sụt giảm do những khoản chi phí ngày càng lớn. Bởi vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ mới như chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, ứng dụng điện toán đám mây, điện toán di động, triển khai mô hình thuê ngoài thông minh… đang là mối quan tâm hàng đầu với các ngân hàng.

Chia sẻ tại Hội thảo Banking 2014 diễn ra sáng nay (21/5) tại Hà Nội, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết các xu hướng công nghệ mới này đang làm thay đổi toàn diện cơ chế hoạt động, vận hành của các ngân hàng. Trong khi điện toán đám mây giúp tăng cường sự linh hoạt thì việc phân tích dữ liệu lớn (big data) giúp ngân hàng nắm bắt nhu cầu khách hàng chính xác hơn, từ đó nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khác biệt và thỏa mãn được nhu cầu người dùng ở mức cao nhất. Đồng thời, mạng xã hội và điện toán di động là những kênh tiếp cận và tương tác hiệu quả với khách hàng.

"Ứng dụng công nghệ chính là quyết sách hàng đầu của giới ngân hàng hiện nay khi không chỉ giúp nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh, giúp nền kinh tế đi vào chiều sâu mà còn củng cố khả năng quản trị rủi ro, phát triển bền vững của các thể chế tài chính", ông Thắng khẳng định.

Đồng quan điểm với đại diện Ngân hàng Nhà nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng khẳng định, các ngân hàng VN đã ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm, đặc biệt là trong khối ngân hàng thương mại và đạt được nhiều thành tích nổi bật. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, các ngân hàng nội đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là "nâng cấp hạ tầng, thích ứng với các xu hướng mới như dữ liệu lớn, ảo hóa, di động" và "an toàn thông tin". Thứ trưởng Hồng nhấn mạnh rằng tình hình an toàn thông tin đang diễn biến rất phức tạp, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng. Bản thân Bộ TT&TT đang gấp rút hoàn thiện Luật An toàn thông tin để trình lên Quốc hội trong quý III, cũng như cập nhật danh mục chữ ký số công cộng/chữ ký số chuyên dùng để phục vụ nhu cầu bảo mật của các tổ chức, doanh nghiệp.

T.C