Ban hành Quy chế hoạt động mới của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử
Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành lập ngày 28/8/2018 và được kiện toàn, bổ sung thêm nhiệm vụ, thành viên từ ngày 26/5/2020 (Ảnh: Chinhphu.vn)

Quyết định 414 ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ký ngày 21/10. Quyết định này thay thế cho các quyết định 336/2018 và 209/2019 của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.

Quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Quy chế hoạt động mới ban hành được áp dụng với các thành viên Ủy ban và Tổ công tác giúp việc Ủy ban.

Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và do Chủ tịch Ủy ban quyết định. Ủy ban và thành viên Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên trong hoạt động của Ủy ban và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế.

Các thành viên Ủy ban chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Hoạt động của Ủy ban cũng bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Về chế độ làm việc, Quy chế quy định, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử định kỳ họp một quý một lần. Ủy ban có thể họp đột xuất theo triệu tập của Chủ tịch. Thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết định.

Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử triệu tập cuộc họp mở rộng có sự tham gia của người đứng đầu cơ quan chủ trì thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, dự án có liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh và một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan.

Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử họp định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo Tổ công tác.

Đặc biệt, cùng với việc bổ sung thêm nhiệm vụ, trách nhiệm của Ủy ban trong việc chỉ đạo chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh, Quy chế mới cũng bổ sung trách nhiệm của 2 Ủy viên Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Cụ thể, theo Quy chế, Ủy viên Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.

Ủy viên Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thúc đẩy phát triển đô thị thông minh.

Trước đó, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 701 kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Theo đó, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được bổ sung thêm các nhiệm vụ chỉ đạo về đô thị thông minh, chuyển đổi số và kinh tế số. Đồng thời, Ủy ban cũng có thêm 2 thành viên là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Xây dựng. 

Thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 701 để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh, đó là các địa phương: Bến Tre, Cao Bằng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Hà Nam, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Long An, Quảng Trị, Bắc Giang, Khánh Hòa.

Vân Anh

Việt Nam được đánh giá cao về phát triển Chính phủ điện tử

Việt Nam được đánh giá cao về phát triển Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ. Một số nội dung về Chính phủ số như Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Hệ thống báo cáo, phân tích số liệu đã triển khai thí điểm và bước đầu có kết quả.