Báo chí thu phí có thể được ví như câu chuyện của truyền hình trả tiền cách đây hơn một thập kỷ khi mà nhu cầu xem truyền hình chất lượng cao, nhiều tiện ích của khán giả ngày càng tăng.

Câu chuyện báo chí thu phí ngày nay được tiếp tục khi mà nhu cầu đọc, nghe, xem tác phẩm báo chí không chỉ là chất lượng cao, nhiều tiện ích, mà còn là sự tin cậy, chính xác, nhanh chóng, kịp thời để lấp đầy khoảng trống về sự thật và tử tế trên môi trường mạng. Thuê bao báo chí trả tiền sẽ là trợ lý ảo giúp độc giả "tiếp cận cái đẹp, dẹp cái xấu" trong xã hội thông tin.

Đừng để báo chí chỉ là “mẩu tin” trên mạng xã hội

Cách đây hơn 10 năm, khi khái niệm “truyền hình trả tiền” ra đời, nhiều ý kiến phản đối rằng, truyền hình muốn phát triển thì phải phát sóng miễn phí để có người xem, lúc đó mới có doanh thu từ quảng cáo và rất khó thu tiền từ khán giả. Tuy nhiên, thực tế là nguồn thu quảng cáo đôi khi không đủ trang trải cho các “nhà đài” để có nhiều chương trình tốt, nhất là những đài truyền hình địa phương.

Khi vấn đề bản quyền truyền hình được chuyên nghiệp hóa, các nhà đài bắt đầu vướng phải bài toán làm sao có tiền mua được bản quyền các chương trình để phát miễn phí cho người dân.

Truyền hình trả tiền (pay TV) ra đời, cùng với đó là sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh bản quyền chương trình truyền hình tạo nên một thị trường nhộn nhịp như ngày nay. Chỉ với mức phí vừa phải, nhiều gói để lựa chọn và chất lượng vượt trội, cả nước hiện có 15.420.396 thuê bao truyền hình trả tiền (số liệu Sách trắng CNTT&TT Việt Nam năm 2020).

{keywords}
Khi thông tin trên mạng xã hội quá nhiều tin giả, tin sai lệch thì độc giả sẽ tìm đến báo chí thu phí như là việc bỏ tiền mua sự tin cậy và sự tử tế của thông tin từ người cung cấp.

Câu chuyện tương tự đang diễn ra với báo chí trả tiền. Trước đây, mỗi buổi sáng, rất nhiều người mua báo giấy đọc tin tức hàng ngày. Các cơ quan, doanh nghiệp còn bỏ tiền mua một số tạp chí uy tín để tham khảo những bài viết phân tích về thị trường, giá cả với nguồn thông tin và số liệu tin cậy. Khi người dân được tiếp cận Internet, cùng với đó là sự ra đời của báo điện tử và mạng xã hội làm cho các sạp báo vắng bóng dần. Mọi người dễ dàng đọc tin tức trên máy tính hoặc điện thoại. Hệ quả là số lượng báo in và tỷ lệ bạn đọc cầm trên tay tờ báo ít dần. Thay vào đó là sự phát triển của số lượng báo điện tử, tạp chí điện tử với tốc độ chóng mặt.

Để bù lại doanh thu báo giấy sụt giảm, các tòa soạn tăng cường thu hút quảng cáo bằng nhiều hình thức và giống như truyền hình, tin bài phải có số lượng người xem, đọc (view) nhiều thì mới có nguồn thu. Điều này làm hình thành tâm lý báo điện tử phải miễn phí để có nhiều người đọc. Còn phóng viên bị áp lực viết tin bài phải có nhiều view nhằm tăng nguồn thu.

Câu chuyện truyền kỳ về rút tít (title) giật gân, đưa tin bài hiếu kỳ để “câu view” bắt đầu từ đây, được “tiếp sức” khi mạng xã hội ra đời và phát triển bằng việc “câu like”. Có thể ví mạng xã hội như là các sạp báo để báo chí có thể đến tay bạn đọc nhanh nhất, hút nhiều độc giả nhất. Với tốc độ “truyền tin” theo cấp số nhân, báo chí tiếp tục phải cạnh tranh về số lượng bạn đọc và nguồn tin bài với mạng xã hội, khi mà mỗi tài khoản đều có thể trở thành một cơ quan báo chí, bao gồm báo điện tử, báo hình, báo ảnh, thậm chí là báo nói nhờ vào công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nguồn thu của cơ quan báo chí tiếp tục được chia sẻ cho mạng xã hội.

Tiếp đến là vấn nạn lợi dụng danh xưng nhà báo, phóng viên viết bài dọa dẫm doanh nghiệp, hù dọa các tổ chức để ký hợp đồng quảng cáo bù đắp vào sự sụt giảm doanh thu. Một số tờ báo bắt đầu chuyển sang cách làm báo của mạng xã hội. Việc phóng viên “lang thang” trên các diễn đàn và thông qua tài khoản cá nhân mạng xã hội để xin ảnh, xin tin không phải là hiếm, mục đích là có nhiều tin bài nhanh nhất đến độc giả mà không cần kiểm chứng số liệu, tính chính xác và chất lượng của nguồn tin.

Không ít tin bài trên báo chí dường như chỉ như là một “mẩu tin” trên mạng xã hội được lặp đi, lặp lại từ báo này đến báo khác, từ tài khoản này đến tài khoản khác. Trong trường hợp đó là tin giả, tin sai sự thật thì tác hại đến xã hội rất lớn. Báo chí ngày càng thiếu dần những bài viết phân tích chuyên sâu, chất lượng mà đa số tập trung vào các tin tức hàng ngày, câu chuyện xã hội.

Thu phí để nhận được sự tin cậy từ bạn đọc

Trở lại câu chuyện của truyền hình trả tiền, đến nay người dân đã thấy được lợi ích khi mua các gói thuê bao phù hợp và thưởng thức các chương trình truyền hình chất lượng, thậm chí là độc quyền của các nhà sản xuất trên thế giới. Ngoài ra, người xem còn có thể sử dụng các dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD - Video on Demand) hoặc lưu lại, xem lại chương trình truyền hình yêu thích.

Trong khi đó, thu phí báo điện tử không còn là câu chuyện mới tại các nước phát triển, khi nhu cầu được tiếp nhận thông tin có chất lượng, chính xác từ bạn đọc ngày càng tăng. Sự tin cậy từ độc giả quyết định sự tồn tại của báo điện tử. Trong thời gian du học tại Nhật Bản, tôi trở thành thuê bao của Nikkei Asia, chuyên trang của Nikkei Inc - một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản.

Ấn tượng đầu tiên là sự hội tụ của truyền thông và đầu tư một cách công phu của người viết bằng các tin bài có số liệu tin cậy và ý kiến từ nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Tin bài được đăng tải dưới dạng câu chuyện, phân tích sâu số liệu và phỏng vấn chuyên gia về các sự kiện, xu hướng hoặc chính sách toàn cầu. Các tin bài được thể hiện đa dạng bằng nhiều thể loại truyền hình (video), âm thanh (podcast) hoặc đồ họa thông tin (infographic).

{keywords}
Bài viết phân tích sâu với nhiều số liệu dẫn chứng

Định kỳ hàng tháng, các thuê bao được khảo sát nhu cầu xem, nghe, đọc trên chuyên trang của bạn đọc bao gồm thông tin yêu thích tập trung chủ đề gì, loại hình nào, các thể loại liên quan đến số liệu, phân tích câu chuyện, tiêu điểm (spotlight) hay góc nhìn (insight),… Trên cơ sở đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo của tờ báo sẽ phân tích và ra quyết định gợi ý (recommendation) hay đề xuất (suggestion) thông qua tài khoản của bạn đọc khi truy cập, hoặc qua hệ thống thư điện tử đã đăng ký (newsletter).

Mỗi tài khoản có thể được xem như là một “trợ lý ảo” giúp độc giả đỡ vất vả giữa “một rừng” thông tin tương tự trên mạng xã hội và hỗ trợ thuê bao tiếp cận thông tin tốt hơn, tin cậy hơn, kịp thời hơn. Tùy vào nhu cầu hàng ngày, bạn đọc có thể lưu lại các tin bài để đọc lại khi rảnh rỗi, hoặc xem lại thống kê các tin bài đã xem thông qua ứng dụng trên điện thoại, máy tính bảng (app).

{keywords}
Tin bài được lưu để xem lại

Số liệu và ý kiến chuyên gia trên báo chí thu phí có thể được sử dụng cho nghiên cứu khoa học, trích dẫn trong các bài báo khoa học hay tham luận tại các hội thảo. Thuê bao của chuyên trang Nikkei Asia có thể được mời tham dự tọa đàm, trao đổi theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp và thông qua uy tín của hãng truyền thông này, bạn đọc có cơ hội được tiếp cận, đặt câu hỏi với các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Giống như truyền hình, có kênh quảng bá, kênh trả tiền và tất nhiên truyền hình trả tiền đã bao gồm các kênh quảng bá với nhiều sự lựa chọn. Thu phí báo chí cũng sẽ như vậy, khó trong giai đoạn đầu nhưng sẽ dễ dàng cho giai đoạn sau với xu thế của truyền thông hội tụ.

Khi thông tin trên mạng xã hội quá nhiều tin giả, tin sai lệch thì độc giả sẽ tìm đến báo chí thu phí như là việc bỏ tiền mua sự tin cậy và sự tử tế của thông tin từ người cung cấp. Đồng thời là phương thức, công cụ quy hoạch báo chí tốt nhất trong quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Hữu Lương

(Phó Chánh Văn phòng Sở TT&TT Thừa Thiên Huế)

  >>> Trải nghiệm không gian đọc báo Premium TẠI ĐÂY

Báo chí giải bài toán chuyển đổi số, hái "quả ngọt" thu phí

Báo chí giải bài toán chuyển đổi số, hái "quả ngọt" thu phí

Hàng trăm tờ báo chuyển đổi sang mô hình thu phí bắt buộc khiến độc giả phải móc hầu bao, nhưng thành công chỉ dành cho số ít giải được bài toán con gà quả trứng.