Ngân hàng và hệ thống thẻ ATM đang là mục tiêu của tội phạm mạng

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng đã phát hiện trên 2.500 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia bị tấn công, hàng trăm ngàn máy tính bị nhiễm mã độc. Việt Nam đang xếp thứ 4 trong top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma botnet, bị tin tặc sử dụng để tấn công nước khác.

Hệ thống thông tin của các cơ quan, chính phủ, nhất là các tổ chức tài chính, ngân hàng là mục tiêu tấn công thường xuyên của giới tin tặc. Nhiều cuộc tấn công nhằm vào Sở giao dịch chứng khoán, các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước.

{keywords}
Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).

Chia sẻ tại hội thảo - triển lãm quốc gia về an ninh, bảo mật 2019 (Security World 2019), Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trên thế giới, tình hình tội phạm mạng tấn công vào các ngân hàng đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Tiêu biểu là vụ tấn công bằng phần mềm độc hại vào Ngân hàng Trung ương Bangladesh tháng 3/2016 gây thiệt hại 81 triệu USD. Ở cùng thời điểm, ngân hàng Banco del Austro (Ecuador) đã bị tin tặc tấn công gây thiệt hại lên tới 12 triệu USD. Bên cạnh đó là hàng ngàn vụ tấn công vào hệ thống ATM của các ngân hàng trên thế giới.

Tại Việt Nam, hoạt động của loại tội phạm trộm cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả để chiếm đoạt tài sản (Skimming) diễn ra phức tạp. Người đứng đầu cơ quan chuyên trách về phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an cho rằng, với 70 triệu thẻ nội địa đang lưu hành, nếu chậm chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, Việt Nam có thể trở thành tâm điểm của tội phạm thẻ.

{keywords}
Hội thảo - triển lãm quốc gia về an ninh, bảo mật 2019 (Security World 2019)

Trong 2 năm 2018 và 2019, Bộ Công an đã phát hiện nhiều nhóm tội phạm người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và các nước Châu Phi thực hiện hành vi chiếm đoạt hàng trăm triệu USD.

Nhóm người này nhập cảnh vào Việt Nam theo đường du lịch, thuê nhà và đường truyền Internet để tổ chức các hoạt động lừa đảo, làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền hoặc thanh toán hóa đơn, dịch vụ qua hệ thống máy POS. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng Bộ Công an đã bắt giữ trên 120 đối tượng người nước ngoài về hành vi phạm tội này.

Tiền ảo, tiền điện tử biến thành phương thức tẩu tán của tội phạm mạng

Hiện có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý thông suốt 73 triệu tỷ đồng, mỗi ngày xử lý 300.000 tỷ đồng.

Sự đa dạng của các tổ chức tài chính cũng như loại hình thanh toán đã gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát dòng tiền của tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao trong ngành tài chính, ngân hàng.

Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp là sự phát triển quá nhanh của khoa học công nghệ. Tội phạm luôn tận dụng những công nghệ mới nhất để thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó, trang thiết bị và kiến thức về khoa học công nghệ của Bộ Công an còn nhiều hạn chế.

{keywords}
Theo Đại tá Đỗ Tuấn Anh, tội phạm mạng đã lợi dụng tính ẩn danh của các loại hình tiền ảo để tiến hành rửa tiền và tài trợ cho các hoạt động phi pháp.  

Trong gian đoạn vừa qua, Bộ Công an đặc biệt chú ý đến loại tội phạm lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo tài chính như Pincoin và iFan. Theo tố cáo của các nạn nhân, tổng số tiền mà bọn tội phạm chiếm đoạt có thể lên tới 15.000 tỷ đồng, tương đương với thu nhập một vài tỉnh.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn cũng nhắc đến vụ lừa đảo liên quan đến HTX đào tiền Skymining,  tội phạm đã lợi dụng sự cả tin và hám lời của một bộ phận người dân để huy động tiền nhằm mua những máy đào tiền ảo. Mỗi máy đào trị giá khoảng 5.000 USD. Người tham gia cũng phải bỏ chi phí để Skymining vận hành hệ thống máy đào này.

Ông Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, sự xuất hiện của nhiều hình thức thanh toán và loại tài sản mới mang tới những thách thức đối với cơ quan quản lý. Đó là việc phải quản lý thế nào đôi với tiền ảo và tài sản ảo?

Trong khi đó, các tổ chức tội phạm đang lợi dụng tiền ảo và tài sản ảo sử dụng để tài trợ cho khủng bố, mua bán ma túy, vũ khí và cả hành vi rửa tiền. Những giao dịch bằng tiền ảo có tính ẩn danh cao đã trở thành một công cụ đắc lực cho hoạt động của giới tội phạm mạng.

Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tìm ra các giải pháp để nhận diện rõ hơn về hành vi và phương thức của các loại tội phạm mới, từ đó mới có thể tìm ra những biện pháp đấu tranh thích hợp.

Trọng Đạt