Giám đốc tình báo đối ngoại Mỹ và Nhà Trắng cuối cùng đã xác nhận một sự thật: chính quyền Barack Obama đang giám sát toàn bộ thế giới. Làm thế nào mà Mỹ có thể xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ như vậy?

{keywords}

Trung tâm dữ liệu Utah của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đang thu thập dữ liệu điện tử của nhiều người khắp thế giới. Ảnh: AP.

Ở phía nam hồ Muối lớn tại bang Utah, đơn vị tình báo đối ngoại của Mỹ tên là Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đang giữ một trong những bí mật đắt giá nhất.

Lưu dữ liệu cả thế giới trong 100 năm tới

Ở phía nam hồ, trên diện tích 100.000 m2 gần doanh trại quân đội William, NSA đang xây khu nhà rộng lớn để chứa hàng loạt máy tính siêu nhanh.

Trong dự án trị giá khoảng 2 tỷ USD này, hệ thống máy tính ở đây có khả năng lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ, tối thiểu là 5 tỷ gigabyte. Chỉ riêng lượng điện dùng để chạy hệ thống làm mát các máy chủ cũng tiêu tốn 40 triệu USD mỗi năm.

“Một xã hội càng giám sát, kiểm soát, theo dõi công dân của mình thì xã hội đó càng ít tự do”.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger

Hai cựu nhân viên NSA là Thomas Drake và Bill Binney hồi tháng 3 nói với báo Spiegel (Đức) rằng, cơ sở của NSA sẽ sớm thu thập dữ liệu cá nhân khắp nơi trên thế giới và lưu trữ trong vài thập kỷ. Những dữ liệu điện tử này bao gồm địa chỉ email, hội thoại trên Skype, tìm kiếm trên Google, video trên YouTube, chia sẻ trên Facebook, giao dịch điện tử qua ngân hàng…

Theo một chuyên gia từng làm cho NSA, các máy chủ đặt ở Utah đủ lớn để có thể lưu trữ toàn bộ dữ liệu điện tử của loài người trong vòng 100 năm tới.

Giám đốc NSA James Clapper cuối tuần qua thừa nhận sự tồn tại của chương trình giám sát quy mô lớn mà Washington đang thực hiện. Tổng thống Barack Obama còn giải thích rằng, Quốc hội Mỹ cho phép thực hiện chương trình này, nhưng người dân Mỹ không nằm trong diện bị giám sát.

Theo tài liệu tuyệt mật do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ, giới tình báo Mỹ bắt đầu tiếp cận máy chủ của các hãng dịch vụ internet lớn từ năm 2007.

Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, YouTube, Skype, AOL… đều nằm trong diện này. Gần đây nhất, Apple cho biết, sẵn sàng hợp tác từ tháng 10/2012. Các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook… cuối tuần qua nói rằng, họ không tiết lộ thông tin của người dùng mà không có lệnh của tòa án.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng, NSA lấy dữ liệu từ hệ thống máy chủ của các hãng công nghệ. Nếu những điều trong tài liệu bị rò rỉ là có thật, thì điều đó nghĩa là NSA biết mọi hành động của tất cả người sử dụng dịch vụ của các công ty trên. Washington Post dẫn lời một sĩ quan tình báo giấu tên nói rằng, NSA có thể “xem các ý tưởng của bạn hình thành khi bạn gõ trên bàn phím”.

Tuyển 1.600 chuyên gia ngôn ngữ

{keywords}

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đang thực hiện chương trình tuyệt mật Prism. Ảnh: Voice of Russia

Utah là nơi sinh sống của cộng đồng người Mormon lớn nhất thế giới. Cộng đồng dân cư sùng đạo và ái quốc này đang cử các nhà truyền giáo trẻ đi khắp thế giới, rất nhiều trong số đó được Lực lượng Vệ binh quốc gia bang Utah tuyển dụng.

Lữ đoàn Tình báo Quân đội thứ 300 của lực lượng này đang tuyển dụng 1.600 nhà ngôn ngữ học. NSA có thể tiếp cận những chuyên gia ngôn ngữ này bất kỳ lúc nào. Một người trong cuộc (xin giấu tên) nói rằng, các nhà ngôn ngữ học được sử dụng để “phân tích thông tin liên lạc quốc tế”.

Trong tài liệu mật bị rò rỉ nói trên, chương trình giám sát khổng lồ của NSA được gọi là “Prism”. Tài liệu cho thấy dòng dữ liệu di chuyển từ châu Âu sang châu Á, từ khu vực Thái Bình Dương sang Nam Mỹ hay bất kỳ đâu đều đi qua các máy chủ đặt tại Mỹ.

Trước đây, chính quyền George Bush hợp pháp hóa việc nghe lén của chính phủ. Tuy nhiên, chính quyền Barack Obama đã đổi mới luật gây tranh cãi này vào tháng 12/2012 để cho phép mở rộng chương trình giám sát, ví dụ tất cả người sử dụng Google ở ngoài lãnh thổ Mỹ hay giao tiếp giữa công dân Mỹ với người ở nước ngoài đều bị theo dõi.

Cuối tuần qua, trước sự chỉ trích của các nhà hoạt động và người dân về chương trình giám sát bí mật vừa bị tiết lộ, Tổng thống Obama lý luận rằng, không thể đảm bảo an ninh 100%, không thể có sự riêng tư 100% và không thể không có sự bất tiện.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Đức, bà Sabine Leutheusser-Schnarrenberger, không đồng ý với quan điểm này.

“Một xã hội càng giám sát, kiểm soát, theo dõi công dân của mình thì xã hội đó càng ít tự do. Trong một nhà nước dân chủ, an ninh bản thân nó không phải là mục đích, mà là phụng sự để đảm bảo quyền tự do”, bà Sabine nói.

Ngày 11/6, các quan chức Liên minh châu Âu và chính khách Đức yêu cầu phía Mỹ làm rõ về chương trình bí mật thu thập dữ liệu về người nước ngoài.

Do thám qua internet và vệ tinh

Không chỉ giám sát người dùng internet, NSA còn do thám trên quy mô toàn cầu qua nhiều phương tiện khác, như vệ tinh. Mỹ đã lắp đặt hàng loạt ăng-ten hiệu suất cao ở nhiều nước để thu tín hiệu điện thoại di động.

Đến nay, điều các chuyên gia nghi ngờ nhiều năm đã trở nên rõ ràng, rằng NSA đang theo dõi tất cả các dạng trao đổi, liên lạc điện tử trên toàn thế giới. Điều này làm dấy lên câu hỏi quan trọng: Làm sao mà một cơ quan tình báo với 40.000 nhân viên có thể xử lý khối dữ liệu đồ sộ đến thế?

Câu trả lời nằm trong khái niệm “dữ liệu lớn” (big data) được nói đến nhiều gần đây. Nhờ công nghệ lưu trữ dữ liệu kiểu mới, người ta có thể kết nối những dạng dữ liệu hoàn toàn khác nhau và phân tích chúng bằng phương pháp hoàn toàn tự động.

Theo TPO