Chuyển đổi tư duy của lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất để làm việc từ xa hiệu quả

Ông Hùng Đinh, CEO Design Bold, Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm VIC Partners, quản trị viên của Group Vietnam Remote Workforce cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người làm doanh nghiệp trong nước phải đối diện với rất nhiều thử thách mới, buộc họ phải kịp thời thích ứng hay nguy cơ phá sản chỉ trong thời gian ngắn. Trong đó, hai thử thách lớn nhất chính là chuyển dịch từ mô hình làm việc truyền thống sang làm việc từ xa (Working Remote), cũng như làm sao để tận dụng tối đa nguồn lực công nghệ để vận hành doanh nghiệp. 

Ông Hùng Đinh, CEO Design Bold, Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm VIC Partners, quản trị viên của Group Vietnam Remote Workforce

Cũng theo ông Hùng, làm việc từ xa từ lâu đã trở thành văn hoá, phương pháp làm việc hiệu quả của các doanh nghiệp “đa quốc gia”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người mới thật sự có cái nhìn đúng mức về hình thức làm việc này. “Trên thị trường có rất nhiều các công cụ hỗ trợ tốt cho làm việc từ xa, chẳng cần đến công cụ nước ngoài. Cụ thể, để tổ chức các cuộc họp video có thể sử dụng Zalo, quản trị doanh nghiệp có các giải pháp đến từ Base, 1Office hay thiết kế có thể sử dụng các giải pháp của DesignBold, Haravan, Ladipage”, ông Hùng dẫn chứng.

Nhưng CEO DesignBold cho rằng, để làm việc trực tuyến thực sự hiệu quả, ngoài việc lựa chọn các bộ công cụ phù hợp, điều quan trọng nhất chính là phải chuyển đổi tư duy của lãnh đạo, quản lý để từ đó chuyển đổi phương pháp cho các bộ phận. Bởi vì, làm việc từ xa là tổng thể quy trình vận hành của doanh nghiệp chứ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ là làm từ xa thì cần máy tính nối mạng là xong.  “Khi chuyển sang môi trường “cộng tác” online với đồng nghiệp, doanh nghiệp sẽ cần cả một quá trình chuyển đổi, nếu không sẽ không thể hiệu quả”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cần sớm có những hành động để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thật nhanh

Trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, theo ông Hùng, bên cạnh việc thúc đẩy các giải pháp làm việc từ xa, đây là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp chuyển đổi số. Vì thế, Chính phủ, Bộ KHCN và Bộ TT&TT cần có những hành động mang tính “cách mạng” để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số thật nhanh chóng, đồng thời mở rộng thêm thị trường cho các công ty công nghệ Việt Nam. “Nhóm Vietnam Remote Workforce của chúng tôi đang kết hợp với Bộ TT&TT để sớm đưa ra những gói hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, trong đó mục tiêu gần nhất là đưa ra top những sản phẩm làm việc từ xa hiệu quả nhất”, ông Hùng chia sẻ. 

Chia sẻ về những khó khăn của các ứng dụng làm việc trực tuyến hiện nay, ông Hùng khẳng định, đó là “kỹ năng số” và “văn hoá số” của người dùng, khách hàng Việt Nam còn quá thấp. “Như việc thiết kế một banner khoảng vài trăm ngàn đồng, nhiều khách hàng còn yêu cầu thiết kế đến gặp trực tiếp thay vì có thể gửi email hay qua điện thoại những yêu cầu chi tiết hoặc họp trực tiết để tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho cả hai bên”, ông Hùng dẫn chứng. 

Cuối cùng, ông Hùng kiến nghị các cơ quan quản lý cần sớm đưa ra các gói hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền hay truyền thông thực tế để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, thay vì những chính sách chung chung, không thể áp dụng vào thực tiễn.

Ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành Chỉ thị phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số. Theo chỉ thị này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số để tạo lập môi trường làm việc số để thiết lập, duy trì môi trường làm việc liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ phục vụ cho các cuộc họp, hội nghị trực tuyến; Văn phòng làm việc trực tuyến; Quản trị số và công cụ giao tiếp số.

Bên cạnh đó, phải phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số để cung cấp thông tin y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân; theo dõi, cung cấp thông tin về tình hình y tế cộng đồng, y tế cơ sở, theo dõi, giám sát sự lây lan, cảnh báo các vùng, cộng đồng có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhận thấy khó khăn của nhiều doanh nghiệp, ngày 09/03/2020, ông Hùng Đinh đã thành lập một Facebook group mang tên Vietnam Remote Workforce (VRW), nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, và các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho công tác dịch chuyển sang mô hình làm việc từ xa. Chỉ sau một ngày, group VRW đã thu hút sự tham gia của gần 4.000 doanh nghiệp với sự hỗ trợ ban đầu từ các doanh nghiệp, startup công nghệ hàng đầu Việt Nam, như Designbold, ELSA Speak, KiotViet, Base, Gotit, 1Office, LadiPage, TopCV, Haravan, Printgo, Matbao, Nhanhoa...

Đến thời điểm hiện tại, group đã có hơn 4.500 thành viên, trong đó bao gồm các chủ doanh nghiệp, nhà sáng lập, lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp công nghệ và truyền thống. Vietnam Remote Workforce cũng thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan báo đài quốc gia.

Sắp tới đây, VRW cho ra mắt website Remote.vn để đồng hành cùng các doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, Remote.vn sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam quyền truy cập miễn phí vào các công cụ làm việc và học tập từ xa nổi bật nhất.

N.K