Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) dự định xây dựng một khu nghỉ dưỡng (resort) quốc tế trên Mặt trăng trong vòng 20 năm nữa.

Trong một video mới công bố, Johann-Dietrich Woerner, người đứng đầu ESA, đã tiết lộ những ý tưởng về "Làng Mặt trăng", nơi kết hợp thành tựu của mọi quốc gia phát triển công nghệ thám hiểm không gian trên thế giới. Khu lưu trú này có thể được hoàn thiện vào năm 2030, sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên trên bề mặt Mặt trăng để tạo ra một căn cứ lâu dài cho hoạt động khoa học, kinh doanh và cả du lịch của con người.

Ông Woerner nói, gần 50 năm sau khi con người lần đầu tiên đặt chân trên Mặttrăng, bước đi lớn tiếp theo của nhân loại là tạo lập một căn cứ lâu dài, có thể sử dụng tương tự như Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Ông đề xuất xây một khu resort kiểu này tại các vùng cực hoặc những khu vực có ánh sáng ban ngày liên tục ở phía xa của Mặt trăng.

Lãnh đạo ESA giải thích, ở cực Nam của Mặt trăng, trong một vùng tối liên tục, con người có thể lấy nước để sản xuất hyđro và oxy. Và ở trong bóng râm của Mặt trăng, con người sẽ được bảo vệ trước các tia vũ trụ và bức xạ mặt trời đang rọi tới. Những địa điểm này cũng giảm các nguy cơ xuất hiện các vi thiên thạch và hiện tượng thời tiết cực đoan. Vị trí được chọn còn cần là nơi thích hợp để con người xây dựng một kính viễn vọng vô tuyến bằng các nguồn tài nguyên tự nhiên của Mặt trăng cũng như các vật liệu mang lên từ Trái đất.

Ý tưởng Làng Mặt trăng nhắm tới một cơ sở linh hoạt, mở ra cánh cửa cho hoạt động thám hiểm không gian sâu rộng hơn cũng như thiết lập một trung tâm kinh doanh hay khai khoáng tiềm năng cho con người. Nó cũng có thể được sử dụng cho hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng của các du khác.

Để biến Làng Mặt trăng thành hiện thực, ông Woerner cho rằng cần có sự hợp tác quốc tế. Mỗi nước có thể đóng góp về nhân lực, công nghệ hay máy móc, thiết bị.

Mặc dù nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, đang chú trọng tới các sứ mệnh thám hiểm tới sao Hỏa, nhưng lãnh đạo ESA quả quyết, Làng Mặt trăng là mục tiêu khả thi gần hơn. Ông nói, với công nghệ hiện nay, phải mất tới 20 năm nữa, chúng ta mới có thể hiện thực hóa được mục tiêu này. Song, việc định cư trên mặt trăng là cần thiết và có thể là bước "đại nhảy vọt tiếp theo" của nhân loại.

Tuần Anh (Theo Daily Mail)

XEM THÊM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT: