Làn sóng tẩy chay Facebook của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới không có dấu hiệu dừng lại. Nhưng không phải đợi đến lúc bị tẩy chay và có thể bị hất cẳng khỏi Mỹ, Mark Zuckerberg đã toan tính từ lâu việc xây dựng đế chế mới ở phía bên kia bán cầu, châu Phi.

Bị tẩy chay ở Mỹ, Facebook đang âm thầm vươn ra châu Phi
Mark Zuckerberg đã toan tính từ lâu việc xây dựng đế chế mới ở phía bên kia bán cầu.

Miền đất hứa đối với Facebook có 1,3 tỷ dân với khoảng 24% dân số có kết nối Internet di động. Mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã đầu tư hàng trăm triệu USD trong vòng hơn 5 năm qua để tạo ra các mạng lưới kết nối Internet.

Theo báo cáo mới nhất của Analysys Mason, một công ty tư vấn chuyên về viễn thông và công nghệ, Facebook đang sở hữu nhiều tài sản rất đáng kể ở châu Phi.

Tài sản lớn nhất và được biết đến rộng rãi nhất thời gian qua chính là tuyến cáp quang biển bao quanh cả lục địa châu Phi, dự án có tên gọi 2Africa, hợp tác với các nhà mạng Anh, Pháp, Trung Quốc và Nam Phi. Với độ dài lên tới 37.000 km, tuyến cáp được dự kiến hoàn thành trong vòng 3-4 năm tới và giúp kết nối ít nhất 16 quốc gia châu Phi với phần còn lại của thế giới.

Trên đất liền, Facebook đã xây dựng mạng lưới kết nối từ năm 2016 thông qua hợp tác với các nhà mạng địa phương. Với ước tính rằng 45% dân số vùng Hạ Sahara sống cách một nút mạng gần nhất 25km, Facebook đã lắp đặt hơn 100km cáp quang ở những điểm đen như Diepsloot và Katlehong thuộc Nam Phi kể từ năm 2017.

Một năm sau đó ở Uganda, 770km cáp quang đã được lắp đặt thông qua hợp tác với nhà mạng địa phương. Gần nhất, vào tháng 02/2019 ở Nigeria, Facebook tiếp tục lắp thêm 750km cáp quang ở khu vực nông thôn quanh các bang Edo và Ogun.

Facebook cũng góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng để giảm tải cho nhà mạng địa phương. Mạng xã hội này đã lắp đặt những điểm trung chuyển Internet ở Burundi, Cộng hòa Congo, Gabon, Gambia, Kenya, Mozambique, Nigeria, Nam Phi và Uganda. Những điểm trung chuyển này giúp các nhà cung cấp dịch vụ Internet kết nối lẫn nhau, giảm tải chi phí và tăng tốc băng thông chéo.

Facebook cũng đặt các điểm trung chuyển ở Johannesburg (thành phố lớn nhất Nam Phi), Mombasa (thành phố lớn thứ hai ở Kenya) và Lagos (thành phố lớn nhất Nigeria). Nói cách khác, mạng xã hội này đang đặt máy chủ ở các trung tâm dữ liệu của nhiều quốc gia để giúp tối ưu hóa tốc độ truyền tải giữa các nhà mạng địa phương. Ở những khu vực khác (tổng cộng 44 nước), Facebook có đặt một vài máy chủ để lưu trữ nội dung được yêu thích, giúp người dùng truy cập nhanh hơn.

Mặc dù tổng tài sản của Facebook ở lục địa đen là khó ước tính hết, Analysys Mason tin rằng vẫn có những đóng góp tích cực của mạng xã hội này cho GDP của châu Phi. Khoảng 57 tỷ USD thặng dư dự kiến sẽ được tạo ra trong vòng 5 năm tới. Miếng bánh này rõ ràng có phần của Facebook.

Nguyễn Phương (Theo theafricareport)

YouTube, TikTok và Facebook "run rẩy" trước quy định mới của Malaysia

YouTube, TikTok và Facebook "run rẩy" trước quy định mới của Malaysia

Việc sản xuất phim ảnh video ở Malaysia, cho dù là phương tiện truyền thông chính thống hay những cá nhân tự làm phim đăng lên mạng xã hội, đều cần có giấy phép. Đây là quy định mới Malaysia vừa đưa ra.