Bài viết của tác giả Bill Murphy Jr. đăng trên INC, bày tỏ quan điểm cá nhân của ông về cách Mark Zuckerberg điều hành tại Facebook. Bill Murphy Jr. là một doanh nhân, cựu phóng viên Washington Post, tác giả của một số cuốn sách về kinh tế. Ông đã tham gia sáng lập 3 công ty khởi nghiệp. Hiện tại Bill điều hành Understandably.com, đồng thời là biên tập viên của tạp chí INC.

Hãy tưởng tượng bạn tìm được một công việc từ khi còn trẻ. Nó giúp bạn thành công, giàu có và sức ảnh hưởng ngoài mong đợi, vượt xa tưởng tượng của nhiều người. Đó chính là điều Mark Zuckerberg đã trải qua.

sai lam cua Mark Zuckerberg anh 1

Không ai tại Facebook nói rằng Mark Zuckerberg sai. Ảnh: Getty Images.

Rồi bạn gặp phải sai lầm, nghiêm trọng đến mức có thể hủy hoại toàn bộ sự nghiệp đã gây dựng, cũng như hoàn cảnh Mark Zuckerberg đang đối mặt khi điều hành Facebook.

Mối đe dọa đến từ Apple

Apple – một trong những gã khổng lồ có sức ảnh hưởng lớn nhất hành tinh – đã tuyên chiến với Facebook, trong khi Google cũng chuẩn bị sẵn sàng để tham gia.

Trong phiên bản iOS mới, Apple thay đổi các quy tắc bảo mật. Họ yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng công khai việc theo dõi hoạt động của người dùng, đồng thời phải được chấp thuận.

Điều đó đánh thẳng vào Facebook, tập đoàn có mô hình kinh doanh dựa trên việc theo dõi người dùng để bán "quảng cáo được cá nhân hóa".

sai lam cua Mark Zuckerberg anh 2

Apple và Facebook đối đầu trong vấn đề quyền riêng tư của người dùng. Ảnh: Axios.

"Điều này ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của hàng triệu doanh nghiệp trên khắp thế giới. Nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể tiếp cận khách hàng bằng các quảng cáo nhắm mục tiêu. Chúng tôi coi Apple là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình", Mark Zuckerberg nói trong buổi công bố tình hình kinh doanh Facebook.

Đứng trước tình thế này, Mark Zuckerberg đã có phản ứng sai lầm, nhưng không một ai cho ông lời khuyên đúng đắn.

Động thái của Apple là mối đe dọa hiện hữu. Facebook nghĩ vậy. Tôi không thể đoán trước diễn biến tiếp theo, nhưng nhiều người cho rằng sẽ có gì đó xảy ra. Đây chính là hệ quả từ sự thành công chóng vánh của Zuckerberg.

Không ai khuyên can Mark Zuckerberg

Giống như các nhà quản lý khác, cha đẻ Facebook luôn gặp rủi ro xung quanh sự nghiệp của mình. Trong khi đó, những người bên cạnh, những người đã thăng tiến nhờ vào thành công của Mark Zuckerberg, lại không muốn làm trái ý ông.

Ngay từ thời điểm cách đây 17 năm, Mark Zuckerberg chỉ làm duy nhất một việc: tạo ra Facebook. Điều này càng khiến ông đối mặt với nhiều vấn đề hơn các nhà lãnh đạo công nghệ khác.

sai lam cua Mark Zuckerberg anh 3

Mark Zuckerberg đối mặt với nhiều rắc rối khi điều hành Facebook. Ảnh: CNBC.

Trong những ngày đầu tiên, Mark Zuckerberg khai sinh Facebook từ ký túc xá Đại học Harvard. Câu chuyện về nó vẫn còn đâu đó trên mạng Internet, chẳng hạn: “Hàng trăm người đăng ký trang web Facebook”, “Sự kỳ lạ đằng sau thefacebook.com”…

Khi nhìn lại, rõ ràng sự nghiệp của Zuckerberg đi theo chiều hướng dị thường.

Nhà sáng lập Facebook chưa bao giờ có một ông chủ, không phải đi xin việc. Zuckerberg không khi nào lo lắng về việc trả tiền thuê nhà, hoặc các khoản vay sinh viên.

Ông ấy luôn có thể làm việc bất cứ nơi nào mình muốn, trong môi trường tự tạo ra.

Nói cách khác, Mark Zuckerberg không cần phải lắng nghe bất kỳ ai khác. Điều này đã mang đến thành công, ít nhất là ở hiện tại.

Giả định rằng Zuckerberg sai hoàn toàn về cách Facebook phản ứng với chính sách của Apple. Làm sao ông ta biết được? Có ai xung quanh lên tiếng phản đối? Ai có thể khiến ông lắng nghe, tin tưởng và tôn trọng?

Tôi tưởng tượng rằng nếu đặt Bill Gates vào hoàn cảnh tương tự, ông sẽ cần một lời khuyên từ người bên ngoài công ty, chẳng hạn như của Warren Buffett.

Mâu thuẫn về ý tưởng

Tôi không phải là một người ghét Facebook đến tận cùng. Tôi cũng biết đôi khi điều tốt song hành điều xấu.

sai lam cua Mark Zuckerberg anh 4

Facebook đang dần rời ra ý tưởng ban đầu của Zuckerberg. Ảnh: Reuters.

Chính nền tảng này đã kết nối tôi và bạn gái thời đại học. Bây giờ chúng tôi đã kết hôn và có một con gái. Thực tế là khi ở độ tuổi 19-20, tôi cũng không làm được điều tương tự Zuckerberg.

Nhưng tôi nghĩ 2 thứ mâu thuẫn nhau đang cùng tồn tại với sự phát triển của Facebook: những điều tích cực do mạng xã hội mang lại và sự hoài nghi, thậm chí sợ hãi về mục tiêu thực sự của họ.

Lợi nhuận đằng sau mô hình kinh doanh dường như đã đẩy mọi thứ đi xa khỏi những gì người dùng mong muốn.

Mọi người học cách dung hòa những mâu thuẫn thông qua trở ngại, thất bại, và thấy rằng điều tốt sẽ sinh ra từ điều xấu hoặc ngược lại.

Đôi khi chúng ta phải làm những điều mình không muốn và nhận ra, cho dù có thành công đến đâu thì vẫn còn rất nhiều thứ cần học hỏi.

Đây không phải là một lời mỉa mai, thẳng thắn mà nói, không bao giờ thừa nhận sai lầm sẽ dẫn đến những sai lầm lớn nhất.

Theo Zing/INC

Facebook tuyên chiến Apple, TikTok 'cay đắng' rút khỏi Ấn Độ

Facebook tuyên chiến Apple, TikTok 'cay đắng' rút khỏi Ấn Độ

TikTok 'cay đắng' rút lui khỏi thị trường Ấn Độ; Facebook tuyên chiến Apple; Jeff Bezos rời ghế CEO Amazon;... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.