Các chuyên gia nghiên cứu sức khỏe từ lâu đã dành nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm chìa khóa giúp con người sống lâu hơn. Hiện, họ tin rằng mình có thể đã tiến một bước gần hơn tới việc hoàn thành mục tiêu đó.

{keywords}
Chìa khóa giúp con người trường sinh bất lão được cho là nằm ở việc kiểm soát hàm lượng một hoóc môn do tuyến ức sản sinh ra. Ảnh: Health News

Một nhóm nghiên cứu đến từ Trường Y thuộc Đại học Yale (Mỹ) đã nhận diện được một hoóc môn do tuyến ức sản sinh ra, có thể kéo dài tuổi thọ của người thêm tới 40%. Công trình nghiên cứu của họ hé lộ, việc tăng lượng hoóc môn FGF21 giúp bảo vệ hệ miễn dịch trước sự tàn phá của thời gian và tuổi tác.

Các chuyên gia nhận định, phát hiện trên trong tương lai có thể ứng dụng để cải thiện chức năng miễn dịch ở người già, giúp chống lại chứng béo phì và các căn bệnh như ung thư hoặc tiểu đường tuýp 2.

Theo báo cáo nghiên cứu, khi hoạt động bình thường, tuyến ức sản sinh ra các tế bào T mới cho hệ miễn dịch. Tuy nhiên, cùng với thời gian, tuyến ức có đọng mỡ và mất khả năng sản sinh ra các tế bào thiết yếu. Quá trình mất mát các tế bào T mới này trong cơ thể là một nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ phát triển các bệnh truyền nhiễm và một số căn bệnh ung thư nhất định ở người lớn tuổi.

Nhóm nghiên cứu do Vishwa Deep Dixit, giáo sư chuyên ngành dược so sánh và sinh học miễn dịch thuộc Đại học Yale đứng đầu, đã xem xét những con chuột biến đổi gen có lượng hoóc môn FGF21 tăng cao. Các chuyên gia đã vô hiệu hóa chức năng gen trước khi nghiên cứu tác động của việc giảm lượng FGF21 đối với hệ miễn dịch của chúng.

{keywords}
Theo các nhà nghiên cứu, việc tăng lượng hoóc môn FGF21 có thể giúp kéo dài tuổi thọ của con người tới 40%. Ảnh: Corbis

Kết quả cho thấy, việc tăng lượng FGF21 ở những con chuột già đã giúp tuyến ức chống lại sự thoái hóa vì đọng mỡ, có liên quan đến tuổi tác cũng như gia tăng khả năng sản sinh các tế bào T mới của tuyến ức. Trong khi đó, việc thiếu hụt FGF21 thúc đẩy sự thoái hóa tuyến ức ở những con chuột già.

Giáo sư Dixit giải thích: "Chúng tôi khám phá ra rằng, lượng FGF21 trong các tế bào biểu mô tuyến ức cao hơn gấp nhiều lần trong gan, do đó trong tuyến ức, FGF21 đóng vai trò thúc đẩy sản sinh tế bào T. Việc tăng lượng FGF21 ở những người già hoặc các bệnh nhân ung thư đang trải qua quá trình cấy ghép tủy xương có thể là một chiến lược hỗ trợ nhằm tăng sản sinh tế bào T và do đó tăng cường chức năng miễn dịch của họ".

Giáo sư Dixit cho biết thêm rằng, FGF21 được sản sinh ở gan như một hoóc môn nội tiết. Hàm lượng của nó tăng lên khi các calo bị giới hạn để cho phép quá trình đốt cháy các chất béo diễn ra trước tình trạng lượng glucose thấp.

FGF21 là một hoóc môn trao đổi chất, có khả năng cải thiện độ nhạy insulin và ức chế việc giảm cân. Do đó, nó đang được nghiên cứu về các tác dụng điều trị đối với chứng béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2. Giáo sư Dixit nhận định, các nghiên cứu tương lai sẽ tập trung vào việc hiểu rõ cách FGF21 bảo vệ tuyến ức khỏi sự lão hóa và xem liệu tăng hàm lượng FGF21 thông qua sử dụng thuốc có thể kéo dài tuổi thọ con người cũng như làm giảm nguy cơ mắc các bệnh bắt nguồn từ việc suy giảm chức năng miễn dịch, liên quan đến tuổi tác hay không.

Tuấn Anh (theo Daily Mail)