Nhà nước nên đánh thuế công ty công nghệ một cách thông minh hơn

Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến đã được các chuyên gia chia sẻ nhăm giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.  

Theo ông Nguyễn Xuân Thành (Trưởng phòng chính sách công và quản lý Fulbright), việc đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể dựa vào các doanh nghiệp công nghệ. Lý do được đưa ra là bởi nhóm doanh nghiệp này luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.  

{keywords}
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Trưởng phòng chính sách công và quản lý Fulbright).

Bên cạnh ý tưởng về viêc phát triển các cụm ngành công nghệ sáng tạo, thúc đẩy đổi mới nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng hay thúc đẩy sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm, ông Thành đặc biệt lưu tâm đến yếu tố tài chính.

Theo vị chuyên gia đến từ Fulbright, chính phủ không thể rót vốn liên tục cho các start-up, tuy nhiên cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra những giải pháp khác bằng những ưu đãi về thuế. Đơn cử cho điều nhiều là việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân sự làm công nghệ, hay đưa ra các ưu đãi về thuế đối với nhóm nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D).

Chia sẻ về thực tế tại Việt Nam, ông Thành cho biết các doanh nghiệp thường kêu ca bởi nhà nước tuy đã có chính sách ưu đãi nhưng việc kiếm đủ giấy tờ để chứng minh mình thuộc diện được hưởng ưu đãi cũng rất tốn kém và mệt mỏi.

“Ở chiều ngược lại, các chính sách ưu đãi thuế mà chúng ta đang dành cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI lại đang làm rất tốt, rất nhanh. Điều này cho thấy, chúng ta cần phải ưu đãi thuế một cách thông minh hơn”, ông Thành nói.

Ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị?

Giống với quan điểm của vị chuyên gia đến từ Fullbright, ông Nguyễn Thế Tân (TGĐ VCCorp) cho rằng, chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất so với các công ty outsource hay các công ty công nghệ xuyên biên giới.

{keywords}
Ông Nguyễn Thế Tân (TGĐ VCCorp).

Theo ông Nguyễn Thế Tân, ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ khi Amazon là doanh nghiệp có lợi nhuận hàng tỷ USD nhưng lại đóng thuế 0 đồng.

“Trong khi đó ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ như chúng tôi phải đóng dao động từ 15-20% doanh thu, chứ không phải là 15-20% tính trên lợi nhuận như các nước. Điều này bởi thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng rất cao”, ông Tân nói.

Vị TGĐ VCCorp cũng bức xúc về tình trạng bảo hộ ngược khi cho rằng các mạng xã hội Việt không thể thuê người sản xuất nội dung do vướng những quy định liên quan đến báo chí tư nhân. Trong khi đó, điều tương tự cũng diễn ra với Facebook và YouTube tại Việt Nam thì lại không bị ngăn cản.

{keywords}
Ông Tân đề xuất ý tưởng về việc phân loại các doanh nghiệp công nghệ theo từng nhóm ưu tiên, dựa trên giá trị mà các công ty này mang lại. 

Theo ông Tân, những rào cản chính sách khiến nhiều doanh nghiệp Việt nhiều khi nhìn thấy được vấn đề, muốn giải quyết nó nhưng lại không dám làm dù có đủ năng lực về mặt công nghệ.

Để giải quyết vấn đề này, ông Tân đề xuất quan điểm nên phân loại các doanh nghiệp công nghệ theo nhiều nhóm khác nhau, dựa trên mức độ ưu tiên khi đề ra các chính sách thuế. Việc phân loại này nhằm mục đích ưu tiên hơn cho nhóm các doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị.

Cụ thể hơn, ông Tân cho rằng nhà nước nên coi ngành nội dung số là một ngành kinh tế trọng điểm. Điều này là bởi các công ty nội dung số trong nước đang sử dụng chất xám trong nước để giải quyết được vấn đề của chính Việt Nam, giải được bài toán Việt Nam, từ đó tạo ra giá trị rất cao.

Theo vị TGĐ VCCorp, cơ quan quản lý cũng nên có cách tiếp cận mới đối với vấn đề này, thay vì đánh thuế để thu cật lực, chính sách thuế nên được sử dụng như một công cụ bảo hộ giúp các doanh nghiệp phát triển.

Trọng Đạt