Đại biểu Trần Quang Chiểu, thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đưa ra kiến nghị về các giải pháp thực thi chính sách tài chính, tiền tệ, trong đó đề xuất Ngân hàng nhà nước xem xét lại một số quy định về thanh toán đưa vào thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, ĐB Chiểu đề cập đến dự thảo sửa đổi, bổ sung các thông tư 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán và 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng, trong đó NHNN dự kiến đưa ra các hạn chế đối với phương thức giải ngân của các công ty tài chính, hạn chế người dùng chỉ được mở 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch, không được giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày, hay yêu cầu người dùng phải khai báo lại trong khi đã có thông tin định danh theo tài khoản ngân hàng.

Theo ĐB Chiểu, những nội dung trên nếu được ban hành sẽ cản trở việc thực hiện phát triển kinh tế số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong thời gian vừa qua, dư luận có nhiều băn khoăn về một số quy định trong dự thảo về triển khai các chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ.

Trong khi Chính phủ có chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử , nghiên cứu cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử để đáp ứng nhu cầu của người dân, thì Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN có xu hướng "siết" hoạt động của ví điện tử như giới hạn hạn mức giao dịch của cá nhân và tổ chức, hạn chế mỗi người dùng chỉ được mở một ví điện tử và yêu cầu họ khai báo thông tin định danh, kể cả khi đã có tài khoản ngân hàng liên kết.

Trước hàng loạt quy định mới được bổ sung và siết chặt điều kiện mở và sử dụng ví điện tử, nhiều người đặc biệt trong giới kinh doanh online bày tỏ mong muốn quy định này được "nới" hơn.

Một số ý kiến cho rằng, hạn mức giao dịch tối đa 20 triệu đồng/ngày đối với ví cá nhân là khá thấp, bởi hiện nhiều sản phẩm như smart phone, túi hiệu, xe máy… thường có giá trên 20 triệu đồng, người mua nếu chọn thanh toán qua ví sẽ gặp khó khăn.

Theo một chuyên gia ngân hàng, việc NHNN có các quy định chặt chẽ như yêu cầu người dùng ví điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân, quy định hạn mức... là hoàn toàn cần thiết khi đây được xem là phương thức thanh toán không tiền mặt hiện đại. Quy định sẽ phòng ngừa trường hợp một người mở hàng chục tài khoản ví cho các mục đích sai trái, cơ quan quản lý phải kiểm soát để tránh kênh thanh toán này bị lợi dụng.

Tuy vậy, mức 20 triệu đồng đối với ví cá nhân, thậm chí là 100 triệu đồng với ví tổ chức vẫn là quá thấp so với mức 500 triệu đồng mức mà các tổ chức được phép thực hiện dịch vụ thanh toán phải báo cáo theo quy định về phòng chống rửa tiền.

Theo con số do NHNN công bố, hiện có hơn 9 triệu tài khoản ví đã đăng ký trên toàn quốc, trong đó 4,2 triệu ví có liên kết tài khoản ngân hàng. Các chuyên gia ước tính chi phí phát sinh để thực hiện yêu cầu định danh của NHNN ít nhất sẽ vượt quá 1200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vạy tiêu dùng, NHNN quy định hạn chế việc các công ty giải ngân trực tiếp cho người vay, dẫn đến quan ngại làm giảm hiểu quả các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen mà Chính phủ đang chỉ đạo.

Theo ĐB, về cung ứng tín dụng, hiện nay Chính phủ điều hành cung ứng đủ xong gắn chặt với vốn tín dụng, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tín dụng hiện nay là chất lượng, an toàn và hiệu quả. Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt dẹp tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.

Vị ĐBQH cũng đề xuất nhanh chóng giảm lãi suất cho vay bên cạnh việc cần sớm có phương án huy động ngoại tệ và vàng trong dân bởi hàng năm, nước ta phải đi vay nhiều tỷ USD với lãi suất cao.

Theo Infonet

Dịch vụ mobile money khác gì so với ví điện tử?

Dịch vụ mobile money khác gì so với ví điện tử?

 Dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) đang được Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước xúc tiến nhằm triển khai rộng khắp tại thị trường Việt Nam.