TP.HCM cho học sinh dừng đến trường, học online từ ngày 2/2. Bên cạnh các môn học truyền thống khác, các em cũng phải học thể dục qua mạng.

Ngồi trong phòng làm việc tại nhà, thầy Nguyễn Phú Cường (THCS Nguyễn Thái Bình, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) chăm chú nhìn màn hình máy tính, lâu lâu thốt lên: “Nhảy cao hơn xíu nữa!”, “Đưa tay qua khỏi đầu á!”,...

Giáo viên TP.HCM dạy thể dục qua mạng
Một giờ học thể dục online của trường THCS Nguyễn Thái Bình (Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM). (Ảnh: Phú Cường)

Trên màn hình, vài chục học sinh trường Nguyễn Thái Bình mỗi em ở một địa điểm khác nhau, đang tập theo các động tác thầy yêu cầu. Do đang ở nhà, mỗi học sinh mặc theo cách của mình rất thoải mái, không phải mặc đồng phục thể dục như thông thường. Mỗi em đứng trước màn hình laptop hay điện thoại, tập một số động tác cơ bản để thầy theo dõi, đánh giá.

“Tôi chỉ cho các em tập mấy bài như nâng cao đùi, chạy bước nhỏ,... là các động tác dễ thực hiện tại nhà, không cần hướng dẫn phức tạp”, thầy Cường nói.

Trong video, học sinh thường tập trong nhà, một số tập ngoài sân. Có em còn biết thiết lập phông nền có sẵn của ứng dụng để nhìn hình ảnh có vẻ chuyên nghiệp hơn.

Chị Loan (Quận 2, TP.HCM) khá bất ngờ khi môn thể dục cũng được đưa lên học online. Con chị đã ngồi nhà học qua ứng dụng từ đợt bùng phát dịch năm ngoái. “Nhưng trong đầu tôi chỉ nghĩ đến các môn như Toán, Văn, Anh Văn,... Chưa từng nghĩ học thể dục qua mạng. Rõ ràng thầy cô quá sáng tạo. Tôi thấy thú vị. Cho các em vận động để nâng cao sức khoẻ mùa dịch như vậy rất quan trọng”, chị Loan nói.

Trường THCS Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh) cũng cho học sinh học qua mạng từ ngày 2/2. Thầy Luận, giáo viên thể dục, cho biết đa số các em đều đã quen với hình thức học trực tuyến do đợt bùng dịch năm ngoái trường đã triển khai học từ xa.

“Một số em nhà nhỏ hoặc ở nhà trọ thì sẽ khó khăn hơn khi vận động. Ngoài ra, khi kiểm tra, giáo viên phải xem video của từng em để đánh giá nên cũng hơi cực”, thầy Luận nêu một số khó khăn khi dạy online.

Ngoài ra, khi dạy qua mạng, cả thầy và trò đều phụ thuộc vào chất lượng đường truyền Internet. Việc một học sinh đang học bị thoát ra khỏi lớp học diễn ra khá thường xuyên. Ngay cả thầy giáo là người khởi tạo lớp học đôi khi cũng bị thoát khỏi ứng dụng.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Linh, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thái Bình, cho biết trường đã ngay lập tức triển khai học online ngay khi có quyết định của UBND TP.HCM hôm đầu tuần.

“Do có kinh nghiệm triển khai từ năm trước nên năm nay bộ phận công nghệ của trường thiết lập rất nhanh. Các thầy cô cũng đã có kinh nghiệm nên việc dạy và học qua mạng rất đồng bộ”, cô Linh nói.

Hầu hết các trường ở TP.HCM đều đã quen với việc học từ xa, tuy nhiên ở một số nơi đến thời điểm này mới triển khai nên cả giáo viên và học sinh phải làm quen với hình thức học tập mới. 

Song song đó, một số học sinh hoàn cảnh khó khăn cũng không có smartphone hay laptop để học online, khi đó giáo viên phải cho bài tập về nhà bằng hình thức khác để có cơ sở đánh giá.

Hải Đăng

Công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Hiện tại, khi nghi ngờ bản thân, người nhà bị nhiễm Covid-19 hoặc biết người đã tiếp xúc gần F0, F1, F2… ngoài kênh báo tin trên antoancovid.vn/khaibao, người dân nhất là những người ở vùng dịch có thể gọi đến đường dây nóng miễn phí 18006132.