Google đang đấu tranh ở Australia, trước viễn cảnh chính phủ nước này phê duyệt luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền mua tin tức báo chí. Google khẳng định sẽ vô hiệu hoá công cụ tìm kiếm của họ ở Australia nếu luật được thông qua. Mặc dù vậy, gã khổng lồ công nghệ cũng đưa ra hướng giải quyết của riêng mình.

Theo đó, Google thường xuyên nhắc đến kế hoạch tự lập ra website tin tức ở Australia, News Showcase. Kế hoạch này được công bố vào tháng 6 năm ngoái và Google đã ký hợp đồng nội dung với 7 tờ báo địa phương ở Australia, bao gồm The Conversation. Sau đó, kế hoạch bị trì hoãn cũng vì dự luật của Australia được đưa ra.

Google có cách thỏa hiệp luật mua tin tức ở Australia?
Google thường xuyên nhắc đến kế hoạch tự lập ra website tin tức ở Australia để không bị ảnh hưởng bởi đạo luật mới.

Trong diễn biến mới nhất, Misha Ketchell, biên tập viên của The Conversation chia sẻ rằng ông được Google tiếp cận để nối lại các cuộc thảo luận về việc tung ra sản phẩm News Showcase càng sớm càng tốt, có thể ngay tháng 2 tới. “Chúng tôi đang làm việc với họ về chuyện này”, Misha Ketchell cho biết.

Hai tòa soạn báo địa phương khác cũng nói đã sẵn sàng nội dung cho website tin tức của Google ở Australia. “Chúng tôi cho rằng News Showcase là giải pháp phù hợp, công bằng, tiến bộ, đáp ứng được các mục tiêu ban đầu của đạo luật và giúp đảm bảo một tương lai vững chắc cho báo chí Australia”, Mel Silva, Giám đốc quản lý Google Australia chia sẻ trên blog.

Đại diện Google Australia hứa hẹn sẽ đầu tư 1,3 tỷ AUD (1 tỷ USD) trên toàn cầu trong 3 năm tới cho News Showcase, giúp các cơ quan báo chí được trả phí. Kể từ khi ra mắt năm ngoái, News Showcase đã tăng được gấp đôi số lượng tòa soạn đối tác trên toàn cầu, lên gần 450 cơ quan.

Kế hoạch mua tin tức của Google có khả quan?

Phát ngôn viên của Alphabet, tập đoàn sở hữu Google, tại Australia chưa bình luận gì thêm. Nhưng có thể thấy Google sẵn sàng triển khai trang nội dung của riêng mình, lách qua đạo luật mà tiêu đề đã nói lên gần như tất cả, “Luật Thương lượng báo chí truyền thông”.

Theo dự luật ở Australia, nếu các cơ quan báo chí và nền tảng công nghệ như Google không thể thống nhất giá cho nội dung tin tức, một cơ quan trọng tài độc lập sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp. Điều này đồng nghĩa nguy cơ bị áp giá.

Bà Mel Silva nêu ý kiến phản đối: “Hiện tại, không có website hoặc công cụ tìm kiếm nào trả tiền để kết nối người dùng tới các trang web khác thông qua đường link. Nếu một ngành nghề được trả tiền để xuất hiện trên Google Search, tại sao những ngành nghề khác không thể. Và nếu một công cụ tìm kiếm phải trả tiền hiển thị link, các nền tảng khác cũng có thể sắp bị tính phí”.

Về đề xuất của Google, giáo sư Derek Wilding của Đại học Công nghệ Sydney bình luận: “Nếu Google có thể thỏa thuận thống nhất với một số tòa soạn, họ có thể chứng minh không cần đến sự can thiệp của luật pháp”.

“Câu hỏi đặt ra là liệu những thỏa thuận đó có phù hợp với tất cả các tòa soạn hay không. Điều khoản mà Google đưa ra sẽ phù hợp với một số tòa soạn, nhưng không phải tất cả", giáo sư Wilding nhận định.

Chưa rõ Facebook có đề xuất nào của riêng họ không. Xuất hiện cùng Google trong phiên điều trần của Thượng viện Australia hôm 22/1, đại diện Facebook cảnh báo sẽ không để người dùng Australia đăng hoặc chia sẻ tin tức báo chí nếu dự luật được thông qua.

Anh Hào (Theo Reuters, Google)

Vì sao Google, Facebook mua tin tức khắp nơi nhưng kiên quyết từ chối Australia?

Vì sao Google, Facebook mua tin tức khắp nơi nhưng kiên quyết từ chối Australia?

Theo ý kiến chuyên gia, cuộc chiến ở Australia thực ra xoay quanh quyền quyết định và vị thế đàm phán. Google và Facebook được hiểu là đang cố gắng duy trì vị thế trong quyết định chi trả cho báo chí.