Giám đốc Grab Việt Nam: “Grab và tài xế ở chung một con thuyền”

Grab Việt Nam: Áp toàn bộ thuế lên khách hàng, họ sẽ rời ứng dụng
Buổi đối thoại của Grab và tài xế. Ảnh: Duy Vũ

Sáng 10/12, một cuộc đối thoại giữa đại diện các tài xế và Grab Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Cuộc đối thoại nhằm giải tỏa các bức xúc của cộng đồng tài xế, về việc tăng khấu trừ của Grab đối với các chuyến xe kể từ ngày 5/12 theo quy định của Nghị định 126. Buổi đối thoại diễn ra dưới sự giám sát của cơ quan an ninh, thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, “tôi thành thật chia sẻ mình đang ở một trạng thái đáng tiếc cho các bên”.

Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng, năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn đối với các anh em tài xế khi gặp dịch bệnh, thiên tai lũ lụt kinh tế khó khăn, nhưng nhiều tài xế đã phải bỏ công việc trong mấy hôm, để đòi quyền lợi thay chung cho anh em tài xế.

Bà Vân cũng cho rằng, với Grab đây là điều đáng tiếc, thị trường đang bước vào mùa cuối năm – cơ hội để xây dựng thị trường, để người tiêu dùng sử dụng Grab nhiều hơn. Với hi vọng phục hồi kinh tế, nhưng Grab lại không có thời gian để tập trung xây dựng thị trường, mà chỉ tập trung theo đuổi việc thực thi Nghị định 126. “Đây là sự việc ảnh hưởng không hay đến tất cả chúng ta. Grab đang làm mọi cách để giải quyết điều này êm ấm và duy trì hoạt động của nền tảng”.

Trước nhóm đối tác tài xế, bà Nguyễn Thái Hải Vân cho biết :”Grab và các đối tác tài xế ngồi chung một con thuyền. Nếu các anh có cuốc xe Grab mới có doanh thu. Việc tìm kiếm doanh thu của Grab và tài xế là cùng một con đường”.

Áp toàn bộ 10% thuế lên khách hàng thì tài xế cũng có thể bị ảnh hưởng

Tại buổi đối thoại, Grab đã trả lời nhiều câu hỏi của các đối tác tài xế, trong đó chủ yếu là thắc mắc về việc áp thuế lên cả khách và giới tài xế.

Trả lời câu hỏi “Thuế VAT là áp lên khách hàng, tại sao lại áp 10% thuế lên tài xế?”, đại diện Grab cho biết, việc áp thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến cả 3 bên, Grab, đối tác tài xế và người tiêu dùng. Việc áp dụng mức thuế này phải làm sao hợp lý nhất, để khách hàng vẫn có thể chấp nhận và sử dụng dịch vụ mỗi ngày.

Đầu tháng 12, Grab đã điều chỉnh giá cước cho tất cả các dịch vụ. Dù các đối tác tài xế vẫn bị thiệt thòi, nhưng đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, các tài xế cần biết rằng “Nếu chúng ta tăng giá quá cao, khách hàng sẽ không sử dụng chúng ta nhiều”.

"Grab đã chuyển thể sự hỗ trợ lên các tài xế bằng các cách khác. Grab linh động về giá, hỗ trợ bảo vệ qua các chương trình gắn kết và các hoạt động khác".

Công ty cho hay, đang sử dụng ngân sách đẩy mạnh, tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Vì nhu cầu của khách không tăng trưởng, đối tác tài xế cũng không có được các cuốc xe và không có được thu nhập ổn định.

Theo đại diện Grab, dù vẫn đang phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật, nhưng doanh nghiệp này vẫn cho rằng, việc áp dụng Nghị định 126 trong thực tế còn nhiều bất cập. Công ty cũng đang làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý  làm rõ hơn việc thực hiện Nghị định.

Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của tài xế Grab

Cơ quan thuế cho biết, Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của tài xế. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào. Grab phải điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.

Chiều 9/12, Tổng cục thuế cũng đã có buổi làm việc với Grab xung quanh các vấn đề kê khai và khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định mới.

Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực vào 5/12 quy định rõ, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu. Các nền tảng gọi xe sẽ phải thực hiện kê khai và thu hộ thuế VAT trên tổng doanh thu với các cá nhân. Mức thuế thu hộ là 10% tính trên tổng doanh thu phát sinh.

Tại cuộc họp, Tổng cục Thuế đã giải thích cho Grab biết về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.

Cơ quan thuế cho hay, đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế GTGT là 10%. Trước đó, trong nhiều cuộc họp giải đáp về thuế với cả doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, cơ quan thuế cho biết, Nghị định 126 là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về loại thuế này. Mức thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải vẫn áp dụng ở mức 10%.

Grab cũng như các nền tảng gọi xe khác được xác định là kinh doanh vận tải, do doanh nghiệp giữ vai trò quyết định về giá vận tải, chính sách với các tài xế, khách hàng. Do đó, phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Trả lời ICTnews, đại diện Tổng cục thuế cho biết: "Grab quyết định toàn bộ giá cả. Do đó, Grab phải chịu trách nhiệm kê khai và xuất hóa đơn 1 lần đối với các hoạt động vận tải này. Theo quy định, thuế GTGT của hoạt động vận tải là 10%. Grab thực hiện kê khai đầu ra và sẽ được khấu trừ thuế đầu vào".

Các quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế. Các đối tác sẽ chỉ chịu 1,5% thuế thu nhập cá nhân.

Đại diện Tổng cục thuế cũng cho rằng, “Grab sẽ phải tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh để làm sao có các chi phí đầu vào, thuế GTGT đầu vào để được khấu trừ”.

Nguồn tin từ cơ quan thuế cho biết, tại cuộc họp, đại diện của Grab cũng chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế, là do ảnh hưởng của Nghị định 126.

Duy Vũ

Tổng cục thuế: Grab phải điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế

Tổng cục thuế: Grab phải điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế

Cơ quan thuế cho biết, Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của tài xế. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào. Grab phải điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.