Theo kế hoạch, Hà Nội là một trong năm thành phố đầu tiên triển khai số hóa truyền hình trong giai đoạn 1 và sẽ chính thức tắt sóng analog vào cuối năm 2015.

{keywords}

Theo báo cáo về việc triển khai Đề án số hóa truyền hình trên địa bàn Hà Nội vừa được công bố sáng nay (11/11), Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến Đề án trong thời gian qua, như Quyết định triển khai Dự án chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất - phát sóng truyền hình Đài PT&TH Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng, hay Quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án số hóa truyền hình trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, do Phó Chủ tịch UBND TP, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng ban.

Đồng thời, UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án số hóa đến năm 2020 trên địa bàn Hà Nội, Kế hoạch về thông tin tuyên truyền cho đề án giai đoạn 2014 - 2016....

Có thể nói, số hóa truyền hình là xu thế phát triển tất yếu của truyền hình khu vực và quốc tế hiện nay. Việc thực hiện số hóa truyền hình mang lại những lợi ích thiết thực cho cả quốc gia lẫn người dân như nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, cung cấp các nội dung truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh, quốc phòng....

Tuy nhiên, do khâu tuyên truyền, thông tin còn yếu, chưa lan rộng đến các cơ sở nên đa phần người dân, doanh nghiệp còn chưa hiểu được mình sẽ được lợi gì sau khi cả nước tắt sóng truyền hình tương tự và chuyển sang số hóa.

Chính vì thế, khâu tuyên truyền, phổ biến thông tin về Đề án đang được Bộ Thông tin & Truyền thông, cũng như UBND các Thành phố trong giai đoạn 1 đặc biệt quan tâm. Về phần mình, Hà Nội cho biết Thành phố đã phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền trên Đài PT&TH Hà Nội, các cơ quan báo chí của Thành phố... về số hóa, lợi ích của số hóa cũng như thông tin về thời gian, địa điểm chấm dứt phát sóng tương tự tại Hà Nội. Đặc biệt là phổ biến các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, người dân khi chuyển đổi số hóa...

Cũng theo Báo cáo, thời gian qua, Hà Nội đã tham gia ý kiến thẩm định Dự án chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất - phát sóng truyền hình của Đài PT&TH Hà Nội hay báo cáo Bộ TT&TT cho phép thành lập Công ty Cổ phần TDPS truyền hình đồng bằng Sông Hồng. Đặc biệt, UBND Thành phố đã đồng ý cho Truyền hình An viên tham gia cùng Thành phố triển khai thực hiện Đề án số hóa để tăng tốc lộ trình. Phía AVG đã cam kết hỗ trợ 50.000 đầu thu kỹ thuật số miễn phí cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn (miễn phí thuê bao để xem được 70 kênh chương trình với chất lượng cao, bao gồm 10 kênh truyền hình thiết yếu của Trung Ương và hai kênh H1, H2 của Truyền hình Hà nội).

Đồng thời, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng chuyển đổi sang công nghệ số hóa, cũng như khuyến khích doanh nghiệp nội sản xuất đầu thu DVB-T2 với giá rẻ, Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành xây dựng phương án ưu đãi, như cho vay ưu đãi, miễn giảm thuế doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Trong thời gian từ 5/11 đến 30/11, Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tiến hành khảo sát, điều tra, thống kê hiện trạng phương thức thu xem truyền hình của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, các hộ chính sách trên địa bàn, nhằm thống kê danh sách các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trong diện được hỗ trợ đầu thu truyền hình số theo hướng dẫn của Bộ TT&TT. Mục tiêu của chương trình này là để đảm bảo 100% hộ dân có máy thu hình có thể xem được truyền hình số sau khi tắt sóng analog.

T.C