Huawei là công ty điện tử tiêu dùng giá trị nhất Trung Quốc
Điện thoại Huawei Mate Xs. Ảnh: Bloomberg

Theo báo cáo 10 công ty điện tử tiêu dùng giá trị nhất Trung Quốc 2020 của Hurun, Huawei, nhà cung ứng viễn thông và di động hàng đầu thế giới, đứng đầu với giá trị khoảng 1,1 nghìn tỷ NDT (164,3 tỷ USD). Xiaomi xếp thứ hai với giá trị 434 tỷ NDT dù bị Ấn Độ cấm cửa một số ứng dụng. Hai hãng smartphone Vivo và Oppo xếp thứ ba và tư với giá trị lần lượt 175 tỷ NDT và 170 NDT. Nhà sản xuất drone DJI chiếm vị trí thứ năm với giá trị 100 tỷ NDT.

Năm công ty hàng đầu xuất xưởng 620 triệu thiết bị năm 2019, chiếm 40% thị phần toàn cầu. Những cái tên còn lại trong danh sách là Transsion, Lenovo, Intretech, RELX, Edifier Technology.

Chủ tịch Hurun Rupert Hoogewerf nhận xét các thương hiệu điện tử tiêu dùng dẫn đầu Trung Quốc đều là những thương hiệu Trung Quốc có độ nhận diện cao nhất tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là Huawei, Xiaomi, Vivo, Oppo, Lenovo và Transsion. Transsion là điện thoại bán chạy nhất tại châu Phi.

Doanh số smartphone 5G được dự đoán tăng trưởng 1.300%, đạt kỷ lục 250 triệu máy trong năm 2020. Trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường 5G lớn nhất. Apple, Huawei và Samsung sẽ dẫn đầu làn sóng này, theo báo cáo từ hãng nghiên cứu Strategy Analytics. Hậu Covid-19, ngành điện tử tiêu dùng chứng kiến cơ hội lớn từ phát triển 5G.

Theo Strategy Analytics, Huawei hiện là nhà sản xuất smartphone 5G lớn nhất thế giới, xuất xưởng gần 7 triệu thiết bị, chiếm thị phần 37%. Song lệnh cấm vận của Mỹ vào tháng 8 là đòn chí mạng đối với bộ phận di động của Huawei. Năm 2019, giá trị Huawei là 1,2 nghìn tỷ NDT. Cùng năm này, doanh thu bộ phận tiêu dùng của hãng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm gần 60% tổng doanh thu của cả tập đoàn. Trong đó, di động đóng vai trò thống trị với lượng xuất xưởng đạt hơn 240 triệu máy.

Du Lam (Theo SCMP)

Cạn chip, Huawei đứng trước nguy cơ phải bán Honor

Cạn chip, Huawei đứng trước nguy cơ phải bán Honor

Trước lệnh cấm của Mỹ, Huawei đang đối mặt với nguy cơ phải bán đi thương hiệu con Honor nhằm giải tỏa áp lực nguồn cung chip xử lý.