Chỉ trong 3 tuần, 2 tỷ phú là Richard Branson và Jeff Bezos đều thực hiện những chuyến du hành ở rìa vũ trụ. Cả 2 đều khẳng định mình là những người đầu tiên "du lịch vũ trụ". Tuy vậy, tầm bay của họ khác nhau, và điều đó dẫn đến những tranh cãi.

Ngay trước chuyến bay của Branson vào ngày 11/7, công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đã đăng một hình ảnh trên Twitter so sánh 2 hành trình. Blue Origin cho rằng tàu bay của họ sẽ đạt đến độ cao lớn hơn Virgin Galactic.

"New Shepard được thiết kế để bay trên đường Kármán, nên các hành khách sẽ là phi hành gia thực thụ chứ không cần dấu chú thích bên cạnh. Với 96% dân số thế giới, không gian bắt đầu ở mốc 100 km, trên đường Kármán đã được quốc tế công nhận", tài khoản của Blue Origin kết luận.

Vi tri cua ria vu tru anh 1

Tỷ phú Jeff Bezos đã hoàn thành chuyến bay vào vũ trụ. Ảnh: Getty Images.

Rìa vũ trụ bắt đầu từ đâu?

Tất nhiên, định nghĩa đâu là điểm bắt đầu của rìa vũ trụ không phải do 2 tỷ phú đưa ra. Hiện tại, không có định nghĩa thống nhất dành cho rìa vũ trụ. Do đó, cả hai đều tự nhận đã đến được rìa vũ trụ (hay rìa không gian).

Các nhà khoa học mô tả đó là vùng mà bầu khí quyển của Trái Đất nhường chỗ cho không gian. NASA, quân đội Mỹ và Ủy ban Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đều quy định ranh giới vũ trụ được xác định từ độ cao 50 dặm (80 km), và tàu Virgin Galactic vượt qua mức này với độ cao tối đa của hành trình là 86 km.

Vi tri cua ria vu tru anh 2

Blue Origin so sánh trực tiếp chuyến du hành của mình với Virgin Galactic. Ảnh: Blue Origin.

Liên đoàn Thể thao Hàng không Thế giới (FAI), có trụ sở tại Thụy Sĩ và cũng là một đơn vị định chuẩn về hàng không, lại đưa ra định nghĩa khác. Theo FAI, rìa vũ trụ được xác định cao 62 dặm (100 km) so với mặt nước biển và đây cũng là mức mà tàu Blue Origin chạm đến. Độ cao thứ hai này, được gọi với cái tên đường Kármán, là định nghĩa nổi tiếng nhất cho rìa không gian.

Lý do khiến ranh giới rìa vũ trụ tới nay vẫn còn gây tranh cãi là bởi nó vốn không có nhiều ý nghĩa trong các chuyến bay lên vũ trụ. Mọi tên lửa vọt qua đây rất nhanh.

“Trong hơn 60 năm du hành vũ trụ, chẳng thứ gì dừng lại khu vực này lâu”, Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian chia sẻ.

Đường Kármán - đích đến của Bezos và các hành khách - được đặt tên theo nhà khí động học người Mỹ gốc Hungary, người được cho là đã đưa ra ranh giới vào cuối những năm 1950.

Theodore von Kármán ban đầu đưa ra con số 52 dặm (84 km), bởi ở độ cao này khí quyển đã quá loãng để máy bay có thể bay hoàn toàn nhờ lực đẩy dưới cánh. Tuy nhiên, về sau con số thường được làm tròn lên hoặc xuống, dẫn tới các kết quả như 80 hay 100 km.

Vi tri cua ria vu tru anh 3

Trước đây, mọi tên lửa đều bay qua rìa không gian rất nhanh và không ai để ý đến chúng. Ảnh: Virgin Galactic.

Vào những năm 1960, FAI đã đặt giới hạn này ở độ cao 100 km hay 62 dặm. Lúc đó, con số không quá quan trọng bởi nhiều nhà khoa học cho rằng ranh giới sẽ bị thay đổi liên tục do bầu khí quyển không ổn định. Vì thế, con số lên hay xuống vài km thì cũng không ảnh hưởng nhiều.

Ý nghĩa mới từ trào lưu du hành vũ trụ

Lý do chúng ta không có định nghĩa thống nhất về rìa vũ trụ là bởi nó không quá quan trọng trong các nhiệm vụ không gian. Tuy nhiên, với những người tham gia chuyến hành trình rất đắt tiền với Bezos hoặc Branson, con số có thể quan trọng.

Branson và Bezos xây dựng công ty một phần thực hiện ước mơ cá nhân của họ, đồng thời cũng đang cạnh tranh để giành khách hàng.

Trước chuyến bay của Branson, Blue Origin đã đăng một biểu đồ nhỏ liệt kê những điểm khác biệt giữa sản phẩm của hãng và Virgin Galactic, bao gồm kích thước cửa sổ, tính khả dụng hệ thống thoát hiểm và độ cao đỉnh điểm trong suốt chuyến bay.

Vi tri cua ria vu tru anh 4

Cả hai nhà tỷ phú Branson và Bezos là những người đặt nền móng cho dịch vụ du lịch vũ trụ. Ảnh: Getty Images.

Biểu đồ thật sự là một cách quảng cáo tuyệt vời và giúp cho Bezos có quyền khoe khoang về dịch vụ du lịch vũ trụ. Vì vậy, trong bối cảnh này, rìa không gian không phải một thực tế khoa học mà là con số để bán hàng.

McDowell, người nổi tiếng trong cộng đồng không gian với nghiên cứu của mình về chủ đề này, đã lập luận rằng đường Kármán không dựa trên lý luận khoa học. Theo phân tích của ông dựa trên các dữ liệu, ranh giới vũ trụ tương đồng bắt đầu từ độ cao 80 km so với mặt nước biển, giống như những gì Virgin khẳng định.

Con số này có ý nghĩa bởi khi vật thể vẫn còn bay dưới độ cao 80 km, trọng lực Trái Đất sẽ hút mọi thứ xuống bề mặt. Còn khi ở cao trên 80 km, bạn sẽ an toàn trong hành trình bay xung quanh quỹ đạo Trái Đất.

Vi tri cua ria vu tru anh 5

Mọi vệ tinh trên Trái Đất đều bay trên độ cao 80 km. Ảnh: Getty Images.

Vào năm 2018, FAI cho biết họ cân nhắc việc thay đổi tiêu chuẩn rìa vũ trụ theo cách tính toán của McDowell. Tuy nhiên, ông cho biết tổ chức này đến nay vẫn chưa liên lạc. Ngoài Mỹ, chính phủ các nước khác thường không quan tâm vấn đề này, bởi đưa ra một con số sẽ kéo theo nhiều vấn đề pháp lý và chính trị.

Cả Bezos và Branson đều là những người đặt nền móng cho dịch vụ du lịch vũ trụ. Tuy nhiên, cả 2 tỷ phú đều chưa thể trả lời rõ ràng câu hỏi: rìa vũ trụ ở đâu?

Theo Zing/The Atlantic

Tỷ phú nào đang chiến thắng trong cuộc đua vào không gian?

Tỷ phú nào đang chiến thắng trong cuộc đua vào không gian?

Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson đã quyết định dồn số tiền khổng lồ của mình vào việc theo đuổi giấc mơ du hành vũ trụ, tạo ra cuộc chạy đua vào không gian. Nhưng ai sẽ là người thực sự chiến thắng trong cuộc đua này?