Người dân Lạng Sơn dần chuyển dịch lên không gian số

Hộ gia đình anh Nông Văn Hưng, thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu mở cửa hàng số trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) để bán đặc sản na Chi Lăng từ ngày 14/7. Chỉ trong 2 ngày 15/7 và 16/7, qua kênh bán hàng mới này, gia đình anh Hưng đã có 19 đơn hàng với hơn 70 kg na đi các huyện trong và ngoài tỉnh, đạt doanh thu hơn 5 triệu đồng.

Trước đó, hộ gia đình anh Nông Văn Hưng đã được hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử; tạo cửa hàng số để tự tổ chức bán hàng hóa, nông sản; cũng như cách cập nhật thông tin hàng hóa, giá bán, chất lượng, nguồn gốc nông sản lên cửa hàng số; quy trình đặt hàng, bán hàng, thanh toán, chuyển hàng.

Hộ gia đình anh Nông Văn Hưng là 1 trong hơn 1.000 hộ gia đình tại xã Chi Lăng đã được chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử để dần chuyển dịch hoạt động kinh doanh của hộ mình lên không gian số.

Việc hỗ trợ các hộ gia đình tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng có sản lượng nông sản lớn với sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP tạo cửa hàng số trên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart và mở tài khoản thanh toán điện tử là hoạt động thử nghiệm phát triển kinh tế số được UBND tỉnh Lạng Sơn giao cho Sở TT&TT chủ trì triển khai từ khoảng giữa tháng 6.

{keywords}
Lạng Sơn triển khai thử nghiệm phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho các hộ gia đình tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng từ giữa tháng 6.

Theo đại diện Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, sau 2 tuần triển khai thử nghiệm, các hộ dân trên địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống, tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số.

Số liệu của Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn cũng cho thấy, trong thời gian triển khai thử nghiệm phát triển kinh tế số tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, đã có 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản của mình, trong đó có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua cửa hàng số, người dân Lạng Sơn đã có thể mua và bán sản phẩm của mình trên không gian mạng.

Cụ thể, Viettel Post đã hỗ trợ 395 hộ gia đình tại xã Chi Lăng mở cửa hàng số trên sàn Vỏ Sò, đạt 31,6% tổng số hộ gia đình của xã này. Với Vietnam Post, doanh nghiệp này đã giúp cho 667 hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng có cửa hàng số trên sàn Postmart, đạt 43% tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Số lượng hộ gia đình được Viettel Post và Vietnam Post hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử lần lượt là 187 và 114 hộ.

Đáng chú ý, số lượng cửa hàng số phát triển được trong 15 ngày thử nghiệm đã gấp gần 5 lần tổng số gian hàng của các hộ nông dân Lạng Sơn đã mở trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò trong gần 3 năm trước đó.

“Hơn 1.000 hộ gia đình có cửa hàng số ở xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng đều đã nhận biết được lợi ích của việc đưa sản phẩm lên cửa hàng số. Mặc dù chưa phải vào vụ thu hoạch các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương song nhiều hộ đã có những đơn hàng đầu tiên. Qua các sàn Vỏ Sò, Postmart, hiện người tiêu dùng cả nước đã có thể đặt mua nhiều loại nông sản, đặc sản của Lạng Sơn như na, thạch đen, hoa hồi...”, đại diện Sở TT&TT chia sẻ thêm.

Ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn

Nói về lý do Lạng Sơn có thể phát triển kinh tế số nhanh như thời gian thử nghiệm vừa qua, đại diện Sở TT&TT cho rằng chủ yếu là bởi cách tổ chức triển khai bài bản và đồng bộ, với việc lên kế hoạch, phương án tổng thể trước khi triển khai.

Các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện cho đến xã, thị trấn đều tham gia, huy động các cả Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Tổ dân phố, Trưởng thôn, bản…để phối hợp cùng các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

{keywords}
Hai sàn Postmart và Vỏ Sò tiếp tục được Lạng Sơn chọn tham gia phát triển kinh tế số của địa phương giai đoạn tới.

Vietnam Post và ViettelPost không những được giao chỉ tiêu cụ thể trong việc hướng dẫn các hộ gia đình mở cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, mà còn được yêu cầu xây dựng quy trình nhận, vận chuyển cho các hộ khi phát sinh đơn hàng. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp còn có trách nhiệm phát triển người mua sản phẩm nông sản Lạng Sơn trong và ngoài tỉnh.

Từ kết quả triển khai thử nghiệm, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã giao Sở TT&TT chủ trì tổ chức lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn vào ngày 20/7.

Theo kế hoạch của Lạng Sơn, trong giai đoạn 1 từ ngày 20/7 đến 20/9, sẽ tập trung phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện gồm Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn và Văn Quan. Giai đoạn 2, từ ngày 20/9 đến ngày 20/12, sẽ tiếp tục phát triển kinh tế số trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại. Địa phương này đặt mục tiêu ngay trong năm nay 50% hộ gia đình, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử. 

Theo dự thảo Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Lạng Sơn sẽ phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số. Về phát triển kinh tế số, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%.

Vân Anh

Lạng Sơn thí điểm xây dựng nền tảng cửa khẩu số

Lạng Sơn thí điểm xây dựng nền tảng cửa khẩu số

Mục tiêu của Kế hoạch triển khai thí điểm chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, là tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho doanh nghiệp có phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.