Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đề nghị Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình VN, xin ý kiến các thành viên BCĐ về việc lùi thời hạn tắt "mềm" một số chương trình truyền hình analog không thiết yếu tại 4 TP lớn sang ngày 1/3/2016.

Mốc thời điểm được chọn là sau khi Đại hội Đảng toàn quốc và Tết Bính Thân đã kết thúc, thay vì sẽ tắt sóng từ ngày 1/1/2016 tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng như lộ trình ban đầu. Thứ trưởng cho biết việc chuyển thời hạn tắt mềm một số kênh không thiết yếu, không thực hiện nhiệm vụ chính trị nói trên đã được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son - Trưởng ban chỉ đạo - đồng ý cho lấy ý kiến và đề nghị Cục Tần số sớm thu thập, tổng hợp ý kiến để trình lên phương án tối ưu nhất.

{keywords}
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: L.Phương

Lý do cho sự thay đổi này là vì khi 4 TP lớn tắt sóng, sẽ có 19 tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng. Hiện tại, khâu phủ sóng số đã được đảm bảo cho cả 23 tỉnh, thành phố này, tuy nhiên, khâu thu sóng còn gặp khó khăn. Việc hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cần nghèo ở địa bàn rộng như vậy cần có thời gian. Dù Quỹ Viễn thông công ích đang triển khai các thủ tục một cách tích cực nhưng chắc chắn, việc đấu thầu và trang bị đầu thu cho các gia đình đủ chuẩn hỗ trợ không thể làm xong trong tháng 12. Việc người dân bị "trống" kênh analog trong thời điểm diễn ra 2 sự kiện lớn, quan trọng đặc biệt là Tết và Đại hội Đảng sẽ rất thiệt thòi và gây ảnh hưởng lớn.

Việc triển khai thành công số hóa truyền hình tại địa bàn 23 tỉnh, thành này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đề án Số hóa, vì khu vực này tập trung rất đông dân, cũng là những thành phố lớn, quan trọng nhất của cả nước. Do đó, 2016 được coi là năm bản lề của việc thực hiện Đề án.

Chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác của Cục Tần số VTĐ sáng nay, 18/12, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải yêu cầu Cục tiếp tục tham mưu triển khai hiệu quả Đề án, bám sát các kế hoạch Đề án số hóa đã được phê duyệt, đẩy nhanh các công tác. Mục tiêu cuối cùng là đến năm 2020 sẽ số hóa truyền hình trên quy mô cả nước, giải phóng băng tần thấp đang dành cho truyền hình để phục vụ các công nghệ mới quan trọng như 4G....

Dù số hóa truyền hình là vấn đề rất mới của Việt Nam và trong quá trình triển khai đã vướng nhiều khó khăn, thử thách, song Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đã thực hiện thành công việc tắt sóng analog thí điểm từ ngày 1/11 vừa qua. Hiện tại, ở địa bàn này đã ngừng phát sóng toàn bộ các kênh analog, hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Người dân sau khi được tuyên truyền, tiếp nhận đầy đủ thông tin cũng rất hồ hởi vì được xem nhiều chương trình số mới với chất lượng cao, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết. Đây là thành công bước đầu rất quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi và nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai số hóa TH mặt đất trong giai đoạn tiếp theo.

Đối với công tác chuẩn bị số hóa 4 TP lớn trực thuộc Trung ương, Cục Tần số cho biết đã hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ các địa phương xác định vùng phủ sóng TH số, xác định và tổng hợp danh sách hộ nghèo, cận nghèo sẽ hỗ trợ đầu thu, tổ chức các buổi làm việc của BCĐ với lãnh đạo 1 số địa  phương để đôn đốc, theo dõi các DN truyền dẫn phát sóng thực hiện vùng phủ sóng DVB-T2 theo kế hoạch.

Tính đến thời điểm này, Cục đã cấp phép tần số cho 2 DN truyền dẫn phát sóng khu vực là SDTV (Tp. HCM, Cần Thơ, Bà rịa Vũng Tàu), RTB (Hà Nội) phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực Nam Bộ và Bắc Bộ; Tiếp tục cấp phép bổ sung kênh tần 50 cho AVG tại khu vực Tây Nam Bộ; Nghiên cứu phương án cấp phép kênh tần số cho VTC phát sóng DVB-T2 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

"Việc thực hiện số hóa TH mặt đất tại 4 TP trên có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu xem truyền hình của người dân tại 19 tỉnh lân cận. Vì vậy, quá trình triển khai đòi hỏi sự đồng thuận và phối hợp hiệu quả của nhiều cơ quan, từ cơ quan hoạch định chính sách, các đài PTTH, các hãng sản xuất thiết bị, chính quyền các địa phương cho tới bản thân người dùng... ",Cục Tần số khuyến nghị.

T.C