Ngày 7/4, trang tin Business Korea đăng tải thông tin LG đang muốn bán nhà máy sản xuất smartphone tại Hải Phòng với giá 100 tỷ won, tương đương 90 triệu USD. Đây là bước đi tiếp theo của thương hiệu LG trong việc cắt bỏ mảng sản phẩm gây thua lỗ liên tục trong nhiều năm.
Trước đó, ngày 5/4, LG cho biết sẽ rút khỏi thị trường kinh doanh smartphone để tập trung vào các lĩnh vực khác như linh kiện xe điện, thiết bị kết nối, nhà thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo, giải pháp B2B cho doanh nghiệp, cùng một số nền tảng và dịch vụ khác.
LG sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone ở Hải Phòng. Ảnh: Glassdoor. |
Theo trang Business Korea, công ty này đang từng bước đóng cửa các nhà máy sản xuất smartphone tại Hải Phòng (Việt Nam), Taubate (Brazil) và Qingdao (Trung Quốc). Trước đó, LG đã đưa ra nhiều phương án tận dụng hoạt động sản xuất tại các nhà máy này nhưng không có giải pháp đột phá.
Nhà máy Hải Phòng sản xuất khoảng 10 triệu smartphone mỗi năm, chiếm khoảng một nửa sản lượng điện thoại thông minh của LG. Đây là nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất của LG Electronics, nằm trong Tổ hợp công nghệ LG – Hải Phòng, nơi sản xuất, lắp ráp các dòng TV, điện thoại, sản phẩm gia dụng.
Theo đánh giá của báo chí Hàn Quốc, sẽ rất khó để LG Electronics tìm được đối tác mua lại nhà máy tại Hải Phòng. Nguyên nhân đến từ việc các công ty smartphone ở Việt Nam đều có nhà máy sản xuất. Trong khi đó, các công ty trong nước không đủ khả năng chi hơn 100 tỷ won (khoảng 89,4 triệu USD) để mua lại nhà máy này. Do đó, LG xem xét đến phương án chỉ bán đất ở nhà máy Hải Phòng.
Ngoài nhà máy ở Hải Phòng, LG cũng muốn bán nhà máy ở Taubate (Brazil) và Qingdao (Trung Quốc). 2 nhà máy này sản xuất khoảng 8-9 triệu smartphone mỗi năm. Ngay từ đầu, LG được dự đoán sẽ gặp khó trong việc bán dây chuyền sản xuất smartphone.
Sau khi có tin đồn về việc LG sẽ bán nhà máy Taubate, các lãnh đạo và nhân viên tại nhà máy đã đình công ngày 26/3.
Theo trang Korea herald, LG sẽ hỗ trợ cập nhật hệ điều hành cho smartphone của hãng trong khoảng 3 năm sau khi đóng cửa. Ví dụ, người dùng LG Velvet và LG Wing (ra mắt năm 2020) có thể được hỗ trợ nâng cấp hệ điều hành đến năm 2023.
Từng được coi là đối thủ xứng tầm với Samsung, thế nhưng smartphone LG đã không còn khả năng cạnh tranh trong phân khúc cao cấp, thiết bị giá rẻ lại chịu sức ép từ các hãng Trung Quốc.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, LG là thương hiệu smartphone lớn thứ 9 trên thế giới với 2,4% thị phần.
Theo Zing/Business Korea
Điều gì khiến LG từ bỏ thị trường smartphone?
LG Electronics quyết định rút khỏi thị trường di động. Từng là một trong các hãng smartphone tiên phong, điều gì đã đẩy LG tới cơ sự này?