76% TTHC cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến mức độ 4

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử Long An phiên bản 1.0; hoàn chỉnh Cổng DVC trực tuyến tỉnh, bảo đảm phục vụ cho việc tiếp nhận, luân chuyển TTHC, công bố tình trạng giải quyết TTHC trên môi trường mạng…

Đến nay, Long An có 100% cơ quan, đơn vị trao đổi công việc qua phần mềm quản lý văn bản và mạng nội bộ; 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử tích hợp vào cổng thông tin điện tử tỉnh vận hành ổn định, thông suốt. Hầu hết các sở, ngành và 100% UBND cấp huyện, xã triển khai, sử dụng đồng bộ Hệ thống một cửa điện tử; qua đó, phục vụ tốt việc tiếp nhận luân chuyển, xử lý, theo dõi, công bố tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính trên môi trường mạng.

{keywords}

(Ảnh: Báo Long An)

Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cổng DVC trực tuyến tỉnh Long An (https://dichvucong.longan.gov.vn/) đã trở thành cầu nối, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ. Trong năm 2021, có trên 77.000 hồ sơ nộp trực tuyến thông qua Cổng DVC trực tuyến của tỉnh (tăng 2 lần so với năm 2020).

Đáng chú ý, tỉnh đang cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 2, 160 DVC trực tuyến DVC trực tuyến mức độ 3 (đạt 8,7%). Đặc biệt, Long An hiện cung cấp 1.421 DVC trực tuyến mức độ 4 (đạt 76%, tăng 59% so với năm 2020), hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Những thành quả đáng khích lệ này đã bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC, đồng thời giúp người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước mọi lúc, mọi nơi với điều kiện chỉ cần có kết nối internet.

Mở rộng thanh toán điện tử, hoàn thiện DVC trực tuyến mức độ 4

Nhằm hoàn thiện chỉ tiêu DVC trực tuyến mức độ 4, thanh toán điện tử cũng là một trong những hạng mục mà tỉnh Long An chú trọng triển khai.

Tháng 4/2021, tỉnh Long An đã kết nối và đưa vào vận hành nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (Paygov) tích hợp vào Cổng DVC của tỉnh. Nền tảng hỗ trợ các Cổng DVC, Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối với các hệ thống thanh toán trung gian, từ đó tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, thực hiện thanh toán, mọi lúc, mọi nơi, mọi kênh và bảo đảm thuận tiện.

Đồng thời, Long An áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực: giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp… Các tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC tại Trung tâm phục vụ HCC tỉnh được lựa chọn hình thức thanh toán phí, lệ phí bằng tiền mặt hoặc thanh toán điện tử (thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ POS).

Trong đó, tỉnh thực hiện thanh toán chuyển khoản tại Kho bạc Nhà nước đối với các khoản chi trong lĩnh vực giáo dục; 100% bệnh viện trên địa bàn TP. Tân An lắp đặt máy POS; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng lắp đặt máy POS để phục vụ thanh toán tiêm ngừa, khám chuyên khoa sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống bưu điện; Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An chi trả trợ cấp BHTN cho người lao động qua thẻ ATM…

{keywords}

(Ảnh minh họa)

Tiếp tục hướng đến phát triển chính quyền số, trong Chương trình Thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tỉnh đặt mục tiêu đạt 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến mức độ 4, 80% DVC trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% giao dịch trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; 80% hồ sơ được giải quyết theo DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết…

Hiện tỉnh Long An đang tập trung nguồn lực triển khai các dự án quan trọng như “Xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh giai đoạn 1”, dự án “Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh giai đoạn 1”, dự án “Đầu tư hệ thống hội nghị 2 chiều từ tỉnh đến cấp xã”… cũng như xây dựng phương án nâng số lượng DVC trực tuyến mức độ 4 của tỉnh.

Đây đều là các dự án quan trọng góp phần xây dựng chính quyền điện tử và hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh.

Ngô Linh