Tại kỳ 1, VietNamNet đã giới thiệu tới bạn đọc về chàng kỹ sư trẻ tuổi Trần Nguyễn Trường Sinh. Sinh là người Việt Nam đầu tiên đạt danh hiệu chuyên gia phát triển ứng dụng của Google (Google Developer Expert - GDE) trong lĩnh vực Flutter (phát triển ứng dụng iOS và Android). Thế nhưng, dù sống giữa thiên đường khởi nghiệp Châu Âu, chàng trai trẻ này vẫn quyết định từ bỏ tất cả để về Việt Nam bắt đầu một hành trình mới. 

Ở kỳ 2 này, Trần Nguyễn Trường Sinh sẽ chia sẻ với chúng ta về khoảng thời gian anh sống và làm việc tại Châu Âu. Bên cạnh đó, Trần Nguyễn Trường Sinh cũng sẽ trải lòng về lý do tại sao anh lại quay trở lại Việt Nam lập nghiệp. 

{keywords}

Kỳ 2: Những ngày ở thiên đường khởi nghiệp Châu Âu

Được biết Sinh là cựu học sinh Phần Lan. Bạn theo học ngành gì và đã ở Phần Lan được bao lâu vậy?

Trần Nguyễn Trường Sinh (TNTS): Ở Phần Lan, Sinh theo học ngành Business Information Technology (BIT) ở trường Lahti University of Applied Sciences (viết tắt tiếng Anh là LUAS, viết tắt tiếng Phần là LAMK). Sinh học và làm ở Phần Lan gần 10 năm, đến tháng 5/2018 mới về lại Việt Nam. 

{keywords}

Phần Lan được biết đến như một thiên đường khởi nghiệp của Châu Âu, nơi sản sinh ra Nokia, Angry Birds, Clash of Cland,... Cảm nhận của Sinh về quãng thời gian sống và làm việc ở Phần Lan thế nào? 

TNTS: Nokia thật sự không chỉ là biểu tượng một thời của Phần Lan mà nó còn là biểu tượng của rất nhiều thứ khác. Thậm chí cho đến thời điểm này, Nokia vẫn có sức ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái khởi nghiệp ở Phần Lan.

Đây là bìa báo Forbes tháng 11/2007, với dòng tít: “Nokia - 1 tỷ khách hàng, ai có thể đuổi kịp ông hoàng điện thoại di động?". Cùng năm đó, vào tháng 7/2007, iPhone ra mắt. Nokia và Microsoft là 2 trong số những đơn vị “đâm chọt” nhiều nhất với Apple. Đến khi HĐH Android ra mắt tháng 9/2008, 2 công ty này vẫn tiếp tục là những đơn vị “đâm chọt” Google nhiều nhất. Thế nhưng chỉ một thời gian sau đó, Nokia đã suy thoái dù đang đứng trên đỉnh vinh quang. 

{keywords}

Tuy nhiên, sự suy thoái của Nokia chính là nguyên nhân dẫn đến việc Phần Lan hiện nay có một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và chất lượng. Trong quá trình suy thoái của Nokia, rất nhiều các kỹ sư hàng đầu đã chọn thời cơ này để thực hiện giấc mơ của mình. Ngoài ra, chính bản thân Nokia cũng có một quỹ để hỗ trợ các kỹ sư của họ khởi nghiệp.

Nói về Phần Lan và Helsinki, giới công nghệ không còn xa lạ gì với Slush, sự kiện khởi nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Năm nay, Slush dự kiến có đến 25.000 người tham dự, không chỉ ở mỗi Helsinki (Phần Lan) nữa mà còn được franchise (nhượng quyền thương mại - PV) ở cả Thượng Hải, Tokyo và Singapore. Slush bắt đầu rất nhỏ, chỉ như một buổi gặp mặt thôi. Sinh thật may mắn là người dự Slush năm đầu tiên khi nó rất mộc mạc. 

Sự phát triển rực rỡ của Slush trong 10 năm qua cũng là một điểm đáng thú vị. Hầu hết các hoạt động và nhân lực của Slush đều là tình nguyện viên, sinh viên, thế nhưng sự kiện được tổ chức rất hoành tráng và chuyên nghiệp. Điều đó nói lên việc sức trẻ và nhiệt huyết có thể phần nào bù đắp cho kinh nghiệm và những kỹ năng bạn chưa kịp tích luỹ. 

{keywords}

Phần Lan tốt là vậy nhưng tại sao Sinh vẫn quyết định về Việt Nam lập nghiệp? Nói cách khác, lý do nào đã thôi thúc bạn trở về?

TNTS: Một trong những lý do thúc giục mình trở về là vì tháng 1 năm đó (2018), Việt Nam giành ngôi Á Quân bóng đá nam U23 Châu Á (cười). Lúc đó bản thân mình có nhiều cảm xúc lắm. 

Thật ra khi đó Sinh đang là HoT/CTO (Giám đốc Công nghệ) ở Smarp (Phần Lan). Ở Smarp, hơn phân nửa đội tech là người Việt Nam rồi. Nhóm này gồm tập hợp những người sang Phần Lan học, hoặc do Smarp tuyển trực tiếp từ Việt Nam.

{keywords}{keywords}

Ở thời điểm Việt Nam dự vòng chung kết U23 Châu Á, đợt đó mọi người bên này đều chủ động sắp xếp lại thời giờ làm việc của mình để có thể theo dõi tất cả các trận đấu của tuyển Việt Nam. Bên Phần Lan văn phòng cách âm rất tốt nhưng lúc xem đội đá vẫn phải kìm nén cảm xúc, đặc biệt là những phút luân lưu. Không thể phủ nhận rằng thứ cảm xúc từ những giờ phút ấy đã thôi thúc mình trở về. 

Nguyên nhân thứ 2 là trong quá trình làm ở Phần Lan, mình thấy được những điều mà các bạn lập trình viên ở Việt Nam có và thiếu. Khi đó mình nghĩ rằng, nếu làm việc ở môi trường Việt Nam, mình có thể dễ dàng giúp các bạn hơn.

Ở vị trí của Sinh, có rất nhiều người sẽ ở lại Châu Âu bằng cách này hay cách khác. Đã bao giờ bạn nghĩ về việc sẽ định cư ở một quốc gia khác?

TNTS: Giờ mình còn trẻ, còn làm nhiều thứ được, vậy nên mình chọn môi trường nào mà mình có thể làm được những cái mình thích và mình giỏi. 

Môi trường ở đây không nhất thiết là đất nước hay thành phố, có thể gói gọn trong một công ty, một ngành nghề thôi. Tuy nhiên, sau này khi chuẩn bị có con (con ruột hoặc con nuôi), mình không chỉ sống vì mình mà còn phải sống vì thế hệ tương lai nữa. 

Lúc đó, các vấn đề môi trường và xã hội sẽ quan trọng hơn đối với Sinh. Môi trường giáo dục, y tế, giao thông (đặc biệt là giao thông công cộng và độ thân thiện cho người đi bộ), văn hoá đều quan trọng. Nói thế không có nghĩa Châu Âu là tốt nhất, nhưng Việt Nam nếu không tích cực cải thiện thì sẽ bị các nước trong khu vực bỏ xa.

(Còn tiếp)

Ở kỳ cuối cùng, Trần Nguyễn Trường Sinh sẽ chia sẻ góc nhìn của mình về sự phát triển của ngành CNTT tại Việt Nam. Vị chuyên gia 9X này cũng sẽ lý giải những suy nghĩ của anh về việc vì sao nhiều lập trình viên Việt Nam mãi mãi chỉ là những người "thợ code".

Trọng Đạt