Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Jason Aten, Inc.

Tháng 6/2020, Apple công bố chính sách quyền riêng tư mới. Theo đó, các ứng dụng hoạt động trên hệ điều hành iOS 14 sẽ phải xin phép ý kiến người dùng trước khi sử dụng dữ liệu cá nhân của họ.

Giờ đây, nếu muốn kiếm tiền thông qua dữ liệu cá nhân, những ứng dụng này sẽ phải minh bạch thông tin. Động thái của công ty đến từ Cupertino ngay sau đó đã nhận được không ít sự hưởng ứng từ cộng đồng người dùng.

Tính năng mới trên hệ điều hành iOS 14 sẽ là bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền riêng tư. Theo Inc, những nền tảng quảng cáo kỹ thuật số như Facebook sẽ khó nhắm mục tiêu quảng cáo đến người dùng hơn.

Tim Cook cao tay the nao khi dap tra Facebook anh 1

Facebook công khai chỉ trích Apple trên các tờ báo lớn tại Mỹ. Ảnh: Dave Stangis.

Thật khó có thể tranh luận rằng sự minh bạch là một điều xấu. Tuy nhiên, Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, vẫn muốn thử sức mình. Công ty này đã đăng 2 quảng cáo in toàn trang trên 3 tờ báo giấy lớn nhất nước Mỹ, cáo buộc Apple chống lại doanh nghiệp nhỏ và là mối đe dọa đối với không gian “Internet miễn phí”.

Trong cuộc chiến về quyền riêng tư giữa Facebook và Apple, phản ứng của CEO “táo khuyết”, Tim Cook, là khía cạnh khiến tôi thấy thú vị nhất. Cook chính là tấm gương cho mọi nhà lãnh đạo. Trên thực tế, tôi tin rằng phản ứng của Cook là ví dụ tốt nhất tượng trưng cho trí tuệ cảm xúc.

Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết cảm xúc của bạn đối với một sự việc, đánh giá những suy nghĩ dẫn đến cảm xúc đó và đưa ra những lựa chọn phản ứng khác nhau. Những người có trí thông minh cảm xúc thấp thường bỏ qua các bước này, thay vào đó, họ sẽ phản ứng ngay khi cảm xúc chợt đến. Đây phần nào là nguyên nhân khiến bản thân và những người phụ thuộc vào họ bị tổn thương.

Giống như bất kỳ ai khác, điều này cũng thường xuyên xảy đến với các CEO. Trên thực tế, việc thể hiện trí tuệ cảm xúc thậm chí còn khó hơn khi công ty bạn bị chỉ trích một cách công khai. Cho dù bạn là người điều hành một đế chế khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ USD, có sức ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người, bạn vẫn có nguy cơ rơi vào trạng thái cáu kỉnh hay thất vọng khi đối thủ cạnh tranh cố gắng xuyên tạc hành động của bạn.

Phản hồi của Apple không đến từ phòng PR, cũng không đến từ một tài khoản mạng xã hội chung của công ty. Chính Tim Cook, Giám đốc Điều hành công ty giá trị nhất thế giới, trực tiếp đáp trả những lời biện hộ của công ty đối thủ, Facebook.

Tim Cook cao tay the nao khi dap tra Facebook anh 2

"Chúng tôi tin rằng người dùng có quyền biết cách dữ liệu cá nhân của họ bị thu thập và sử dụng. Facebook có thể tiếp tục theo dõi người dùng trên các ứng dụng và trang web, mạng xã hội này chỉ cần xin phép ý kiến của người dùng trước", Tim Cook đăng trên Twitter cá nhân.

Tôi đã từng có cơ hội chứng kiến các CEO trả lời nhau trên Twitter trước đây. Không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ, đôi khi chúng còn diễn ra tồi tệ hơn.

Mặt khác, Cook được biết đến là một người giao tiếp cực kỳ thận trọng và biết lắng nghe. Ông không có xu hướng tham gia vào các cuộc tranh cãi công khai.

Theo tôi, những tuyên bố công khai của Cook thường khá bình thường. Đặc biệt, tài khoản Twitter của ông là một loạt bài đăng có nội dung về sản phẩm Apple, cam kết của hãng cũng như các thông báo của công ty.

"Facebook có thể tiếp tục theo dõi người dùng trên các ứng dụng và trang web, mạng xã hội này chỉ cần xin phép ý kiến của người dùng trước", CEO Apple viết.

Việc Tim Cook đáp trả Facebook đã chứng tỏ sự quan tâm của Apple đến quyền riêng tư. Đặc biệt, đó là một cách phản ứng hoàn hảo sau mỗi lần bạn bị chỉ trích.

Facebook đã sử dụng gần 1.000 từ và bỏ ra rất nhiều tiền, tất cả nhằm truyền tải thông điệp chỉ trích “táo khuyết” đến mọi người. Mạng xã hội này thậm chí còn vẽ nên một kịch bản ngày tận thế, nơi các doanh nghiệp nhỏ và Internet sụp đổ chỉ vì những thay đổi mới xuất hiện trên iOS 14. Facebook cố gắng khiến người dùng tin rằng đang có một công ty lớn chuẩn bị trói buộc người dùng.

Với Cook, ông chỉ sử dụng 47 từ để trả lời. Thậm chí, ông đã làm điều đó trên một nền tảng mạng xã hội miễn phí - Twitter. Bài viết của Cook đến nay đã nhận được hàng trăm nghìn lượt thích.

Trong câu trả lời ngắn gọn đó, Cook không hề tỏ ra tức giận hay mất bình tĩnh. Ông không hề xúc phạm ai, không kịch tính hóa bất cứ điều gì. Thay vào đó, Cook trả lời theo quan điểm cá nhân, nêu lên những giá trị Apple tin tưởng, giải thích lý do nó quan trọng với người dùng và làm rõ những gì sẽ thực sự thay đổi. Đây chính xác là cách mọi nhà lãnh đạo nên làm khi công ty của họ rơi vào trường hợp tương tự.

Theo Zing

Cuộc chiến thập kỷ giữa Apple và Facebook

Cuộc chiến thập kỷ giữa Apple và Facebook

Đụng độ mới nhất giữa Apple và Facebook chỉ là diễn biến tiếp theo trong cuộc chiến kéo dài hơn thập kỷ giữa hai “ông trùm” công nghệ thế giới.