Chính phủ Nhật Bản vừa công bố kế hoạch thành lập một cơ quan mới để giám sát chặt chẽ hơn các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về độc quyền và xử lý dữ liệu cá nhân người dùng, hãng tin Reuters vừa cho hay.

Cụ thể, ngày 13/2/2019, bài thuyết trình về việc thành lập một cơ quan quản lý mới vừa được đưa ra tại một hội đồng tư vấn của chính phủ Nhật Bản, theo đó cơ quan này sẽ kiểm tra các hành vi cạnh tranh, bảo vệ dữ liệu cá nhân và đưa ra khuyến nghị chống độc quyền đối với các hãng công nghệ, đặc biệt là các hãng công nghệ đa quốc gia như Google và Facebook.

{keywords}
Đến lượt Nhật Bản đưa Google và Facebook "vào tầm ngắm" về vấn đề độc quyền

Cơ quan này sẽ nghiên cứu và đưa ra các quy định hoàn toàn mới, nhằm đánh giá kỹ hơn việc sáp nhập và mua lại nhau của những "gã khổng lồ công nghệ" có dẫn đến sự độc quyền về dữ liệu, tin nhắn hay dữ liệu cá nhân hay không. Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng sẽ hoàn thành kế hoạch thành lập cơ quan quản lý mới vào mùa hè năm nay, nhưng vẫn chưa chắc chắn khi nào cơ quan này sẽ đi vào hoạt động đầy đủ.

Tại cuộc họp, các quan chức Nhật Bản đã trình bày trước nhóm bộ trưởng trong nội các chính phủ rằng Facebook, Google, Amazon hay Alibaba và công cụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc Baidu đã tăng cường ảnh hưởng bằng cách mở rộng kinh doanh vào hệ thống thanh toán, cửa hàng bán lẻ, xe tự hành, máy bay không người lái và các thiết bị kết nối với nhau.

Bài thuyết trình cũng chỉ rõ sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số có một số giá trị, chẳng hạn như làm cho việc tiếp cận khách hàng mới dễ dàng hơn và tạo ra lợi nhuận với chi phí thấp hơn. Nhưng cùng với đó, một số công ty công nghệ lớn có thể lạm dụng ảnh hưởng của họ với kết quả tìm kiếm tùy ý, mức phí cao, thay đổi đột ngột về điều khoản sử dụng đối với người dùng và hợp đồng không công bằng với các nhà cung cấp.

Các quan chức Nhật Bản cũng đã thảo luận về hai trường hợp cụ thể trong những năm gần đây khi Liên minh châu Âu phạt Facebook và Google vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền. Trước đó, vào tháng 7 năm ngoái, “gã khổng lồ” công nghệ Google đã bị EC tuyên bố mức phạt kỷ lục lên tới 5 tỷ USD với lý do đã lợi dụng sự phổ biến của hệ điều hành Android để chiếm lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh.

Cụ thể, EC cáo buộc Google đã ép các nhà sản xuất thiết bị phải cài đặt mặc định trình duyệt Chrome và công cụ tìm kiếm Google Search lên sản phẩm của họ để được cấp quyền vào kho ứng dụng Google Play. Đây được cho là hành vi vi phạm luật chống độc quyền. Vừa mới đây, chính phủ Ấn Độ cũng đã vào cuộc với lý do tương tự đối với Google và đã được Thế giới Vi tính đưa tin hôm qua.

Theo nhiều người, động thái mới này của Nhật Bản cho thấy đây là một phần của xu hướng toàn cầu đối với các quy định chống độc quyền chặt chẽ hơn nhằm vào các công ty công nghệ lớn, mà giới phân tích cho rằng các công ty này đang lạm dụng sự thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử.

Ngoài ra, sự tin tưởng của công chúng vào các công ty công nghệ lớn hiện nay cũng đã suy yếu, đặc biệt sau vụ bê bối của Facebook liên quan đến công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica năm ngoái, trong đó hàng chục triệu hồ sơ người dùng Facebook bị thu thập mà không có sự đồng ý của người dùng. Và không chỉ có vậy, sau đó Facebook đã tiếp tục lún sâu vào hàng loạt vụ bê bối khác trong năm 2018, khiến cộng đồng mạng xã hội e sợ và nhiều người đã quyết định rời bỏ.

Theo PC World VN

Amazon, Alphabet và Facebook bị Mỹ xem xét vi phạm luật chống độc quyền

Amazon, Alphabet và Facebook bị Mỹ xem xét vi phạm luật chống độc quyền

Sau EU, Mỹ vừa quyết định xem xét sự vi phạm luật chống độc quyền của Amazon, Facebook và Alphabet - công ty mẹ của Google.