Mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, thậm chí tự chế tạo thiết bị thông minh để hỗ trợ canh tác, nuôi trồng và khai thác hải sản, nhiều nông dân Việt Nam đã thoát nghèo, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho cộng đồng, góp phần cải thiện kinh tế của vùng cả một vùng quê.

Nông dân chế tạo bình xịt điện năng lượng mặt trời

Hiện nay, thị trường có nhiều loại bình để phun xịt thuốc trên ruộng lúa, hoa màu và cây ăn trái như bình xịt gạt tay, bình xịt bằng máy xăng, bình xịt sử dụng điện của bình ắc quy…

Các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi nhưng có nhiều hạn chế như hao tốn nhiên liệu, thời gian sử dụng điện ắc-quy không lâu, trọng lượng nặng, gây tiếng ồn, phun nhiều khói ô nhiễm, lại phải đeo vác khá mệt.

Thấy được khuyết diểm đó, anh Trần Trung Hiếu (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, An Giang) đã nghiên cứu chế tạo bình xịt theo nguyên tắc sử dụng điện năng lượng mặt trời để thay thế và tiết kiệm nhiên liệu xăng.

Bình xịt điện năng lượng do Hiếu sáng chế có trọng lượng nhẹ hơn bình xịt động cơ xăng từ 4 đến 6 kg, hoạt động theo nguyên lý sử dụng điện từ tấm pin năng lượng mặt trời tích điện cho ắc-quy để nạp năng lượng liên tục cho động cơ hoạt động thời gian dài.

{keywords}

Bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời do anh Hiếu chế tạo

Với bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời này, thay vì phải dùng 100 bình xịt động cơ xăng để xịt thuốc cho 6 hecta ruộng, thì nay anh chỉ cần sử dụng phân nửa số bình xịt điện năng lượng mặt trời; 3 công đất trồng cam của gia đình giờ chỉ cần 7 bình xịt điện năng mặt trời trong khi trước đây phải tốn đến 15 bình xịt dùng động cơ xăng. Điểm nổi bật của sáng chế bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời là hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, các loại rầy bị tiêu diệt nhanh vì tốc độ phun rất đều và mịn.

Sáng chế của anh Hiếu đã đạt giải Nhì trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang lần thứ 10 (năm 2017). Sản phẩm bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời của anh đang chờ công nhận bản quyền do Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học Công nghệ cấp.

"Nhà sáng chế của nông dân"

Năm 2009, anh Tạ Đình Huy ở xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội bắt tay vào mày mò sáng chế ra những chiếc máy đơn giản như máy bơm nước, máy phun thuốc, máy tời kéo còn thô sơ nhưng sử dụng rất hiệu quả.

Năm 2013, sau những nỗ lực tâm huyết, anh Huy hoàn chỉnh được chiếc máy nông nghiệp đa năng 8 trong 1: cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ..., tham gia chương trình nhà sáng chế và đạt giải nhất. Sáng chế của anh được đánh giá ưu việt về kỹ thuật và kinh tế, có năng suất lao động cao.

Không ngừng nghiên cứu sáng tạo, đến cuối năm 2016, máy đa năng của anh Huy đã tích hợp được tới 15 chức năng trong 1 máy nông nghiệp, có thể làm hầu hết những công việc của nhà nông như: cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo hàng để gieo hạt..., phù hợp với tất cả vùng, miền và tập quán canh tác khác nhau.

{keywords}

Chiếc máy nông nghiệp đa năng 8 trong 1 của anh Huy giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức.

Năm 2017, anh Huy hoàn thiện tiếp 2 chức năng cho chiếc máy đa năng là hút bùn và băm cành cây; đa dạng các loại động cơ như động cơ xăng, động cơ dầu nhằm tạo sự thuận lợi cho bà con nông dân. Anh đã tham gia nhiều cuộc thi sáng chế và đạt giải cao như: Giải nhất “Nhà sáng chế”, “Ai là chuyên gia”, “Sáng tạo Việt”. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân xã phát động.

Với những đóng góp trên, anh Tạ Đình Huy được nhận Bằng khen, Giấy khen của các cấp: Năm 2015 đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở, Người tốt, việc tốt cấp huyện, Chiến sĩ Thi đua cấp thành phố, Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Năm 2016, anh được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen, là Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu của Thành đoàn Hà Nội và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, là Gương điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước thành phố giai đoạn 2010 - 2015.

Trong số 87 nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới, có 4 nông dân có phát minh sáng kiến, giải pháp kỹ thuật mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các nhà sáng chế "chân đất" này là gương sáng để các hộ nông dân khác học tập, vươn lên xứng đáng trở thành những nông dân thời đại mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Q. Hiếu