Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng công tác quản lý viễn thông cần chú trọng hơn đến tư duy kinh tế, tuân theo cơ chế thị trường thì thị trường sẽ tự vận hành "trơn tru" hơn, các doanh nghiệp viễn thông không cần Bộ phải "cầm tay chỉ việc" nữa.

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết hoạt động 2015 và triển khai công tác 2016 của Cục Viễn thông chiều nay, 21/12, ông Tâm cho rằng, cơ quan này cần phải "độc lập, mạnh mẽ" thì mới điều tiết được một thị trường đang phát triển nhanh, biến đổi không ngừng như viễn thông hiện nay.

{keywords}
Thứ trưởng Phan Tâm: "Quy định quản lý thị trường cần thiết thực, có tính khả thi cao". Ảnh: T.C

Đặc biệt, khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quản lý thị trường cần chú trọng đến chất lượng, hiệu quả cuối cùng. "Tôi có nghe phản ánh về việc một số doanh nghiệp chỉ thực thi một cách đối phó với các quy định. Do đó, các văn bản cần phải đi vào thực chất, tính khả thi và hiệu lực thi hành phải cao hơn", Thứ trưởng yêu cầu. Để làm được điều này, Thứ trưởng cho rằng cơ quan quản lý cần đề cao hơn tư duy kinh tế trong quản lý. Nếu các quy định tuân theo cơ chế thị trường thì bản thân thị trường sẽ tự vận hành trơn tru hơn, tránh tình trạng vẫn được gọi là "cầm tay chỉ việc" cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần tăng cường và có kế hoạch bài bản từ đầu năm, theo hướng tăng cường hậu kiểm đối với doanh nghiệp viễn thông. Thứ trưởng đề nghị Cục Viễn thông tiến hành giám sát thị trường theo chuyên đề, phối hợp nhiều nguồn lực, bộ phận để huy động được sức mạnh tổng lực, đồng thời phải gắn chặt công tác thực thi pháp luật với các Sở TT&TT.

Trước đó, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng đã nhắc đến quan điểm này, khi cho rằng cơ quan quản lý càng cầm tay chỉ việc, bao bọc doanh nghiệp sẽ càng khiến doanh nghiệp thiếu sức sáng tạo, thậm chí đôi lúc ỉ lại vào Bộ.

Đảm bảo thị trường bền vững

Có thể nói, nhiệm vụ đặt ra cho Cục Viễn thông trong năm 2016 rất nặng nề, với hàng loạt đề án quan trọng như chuyển đổi đầu số cố định, chuyển mạng giữ nguyên số, tổ chức đấu thầu - cấp phép 4G...

Trong đó, việc chuyển đổi mã vùng đã xây dựng được kế hoạch triển khai tương đối hoàn thiện từ thời điểm giữa năm, song do một số vướng mắc nên chưa thể triển khai. Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông đẩy nhanh tiến độ, sớm trình lãnh đạo Bộ kế hoạch do nhu cầu hiện tại của thị trường về giải phóng đầu số, phục vụ các công nghệ mới đã rất "bức bách".

Liên quan đến việc cấp phép 4G trong năm 2016, ông Tâm yêu cầu Cục Viễn thông sớm xây dựng phương thức đánh giá kết quả thử nghiệm của các doanh nghiệp, xây dựng mục tiêu, chính sách tổ chức thị trường băng rộng. Trên cơ sở đó Bộ sẽ tiến hành cấp phép 4G cho những doanh nghiệp trúng thầu.

Đối với những vấn đề luôn "nóng" trong quản lý viễn thông như quản lý giá cước, quản lý thuê bao di động trả trước, Thứ trưởng cũng có những chỉ đạo rất cụ thể dành cho đơn vị cũ của mình. Chẳng hạn như để quản lý tốt giá thành, Cục Viễn thông cần làm tốt công tác hạch toán chuyên ngành, nắm được phân bổ chi phí của doanh nghiệp, từ đó quản lý được giá thành dịch vụ của doanh nghiệp "một cách chắc tay". "Chỉ trên cơ sở như vậy thì chúng ta mới chống được hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, bán dưới giá thành của doanh nghiệp, gây rủi ro đổ vỡ, méo mó thị trường".

Đồng thời, Cục cần nhanh chóng xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý và phát triển thị trường viễn thông bền vững (nội dung được đưa chung vào Nghị định 25 sửa đổi). "Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong năm 2016, để đảm bảo quản lý thị trường hiệu quả hơn nữa, đảm bảo thị trường phát triển bền vững, lành mạnh", Thứ trưởng nêu rõ.

T.C