Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang làm việc với Văn phòng Chính phủ để trong tháng 5 sẽ có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ chuyển VTC về VOV. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết tại cuộc họp của tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình lần thứ 6 vào sáng ngày 13/5.

{keywords}

Theo báo cáo tình hình triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án số hóa truyền hình), thì hiện tại, cả nước đã có 3 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất phạm vi toàn quốc là VTV, VTC và AVG và 2 doanh nghiệp phát sóng truyền hình số khu vực là công ty RTB (ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ) và công ty SDTV (ở khu vực đồng bằng Nam Bộ).

Tuy nhiên, trong khi VTV và AVG đang triển khai khá tốt việc phủ sóng truyền hình số DVB-T2 thì Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC chưa triển khai phát sóng truyền hình số do đang trong quá trình tái cơ cấu, nguồn lực hạn chế.

“Hiện tại, VTC vẫn đang duy trì phát sóng các kênh chương trình trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T trên cả nước. Tuy nhiên, do VTC đang trong quá trình tái cơ cấu, nguồn lực hạn chế, do đó, việc thực hiện chuyển đổi từ DVB-T sang DVB-T2 đang gặp nhiều khó khăn”, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, thành viên Tiểu ban giúp việc cho biết.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng thì hiện tại, VTC đang trong quá trình chuẩn bị chuyển về Đài tiếng nói Việt Nam VOV, do đó phải đợi quá trình chuyển giao hoàn tất thì VTC mới có thể xây dựng kế hoạch chuyển đổi theo chuẩn mới được.

“Hiện tại, Thủ tướng đã có chủ trương chuyển VTC về VOV nhưng chưa có quyết định chính thức. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang làm việc với Văn phòng Chính phủ để trong tháng 5 sẽ có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ chuyển VTC về VOV”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay.

Chỉ khi có quyết định chính thức mới có đủ sở cứ để bàn giao từ vấn đề con người, lao động, tiền lương tài chính cũng như tất cả các vấn đề khác, Thứ trưởng Thắng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Thắng, nếu người dân dùng đầu thu DVB-T2 mới thì vẫn thu được hơn 30 kênh truyền hình số chuẩn DVB-T mà Đài VTC đang phát trên phạm vi cả nước. “Đây sẽ là sự bổ sung một số lượng lớn các kênh truyền hình số tại nhiều tỉnh, thành trong thời điểm hiện tại”, Thứ trưởng Thắng nói.

Việc chuyển giao VTC về VOV còn liên quan tới việc hình thành các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các đơn vị như VTC hay VTV phải phải thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng, xin giấy phép thiết lập hạ tầng mạng sau đó mới được phép kinh doanh dịch vụ truyền dẫn phát sóng theo đúng quy định của Luật Viễn thông.

Tuy nhiên, tới nay, cả VTV lẫn VTC đều chưa thành lập các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng riêng. Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thì đây là một trong những nguyên nhân chính khiến việc mở rộng vùng phủ sóng số của VTV trong thời gian qua khá chậm chạp.

“Việc đầu tư mở rộng mạng truyền dẫn phát sóng do VTV chủ động và ít chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý, nên khó đảm bảo về chất lượng phủ sóng. Do đó, Bộ TT&TT cần đôn đốc VTV thành lập doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn phát sóng theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP”, ông Yên đề nghị.

Đối với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, theo ông Yên, sau khi được bàn giao nguyên trạng từ Bộ TT&TT về Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), nếu VOV vẫn duy trì hoạt động truyền dẫn phát sóng truyền hình thì VOV cũng phải thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép thiết lập hạ tầng mạng để kinh doanh dịch vụ này theo đúng Quyết định 2451.

Đồng ý với đề xuất của ông Yên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, việc hình thành các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng là một định hướng của Nhà nước nhằm bóc tách hoạt động thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ tuân theo quy định của Luật Viễn thông với việc xây dựng chương trình nội dung tuân theo quy định của Luật Báo chí.

“Bộ TT&TT sẽ có văn bản nhắc nhở VTV và VOV phải thành lập các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng riêng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.

 

Thực hiện tắt dần các kênh truyền hình tương tự

Tại cuộc họp tiểu ban giúp việc Đề án số hóa, thông qua các ý kiến, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng thống nhất sẽ đề xuất lên Ban chỉ đạo Đề án xây dựng phương án tắt dần các kênh truyền hình tương tự (analog) chứ không tắt cùng một lúc để tránh ảnh hưởng đến người dân.

Theo kế hoạch trước đó, thời điểm thí điểm số hóa truyền hình tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam là vào này 31/6/2015 và thời điểm ngưng phát sóng các kênh truyền hình tương tự tại 4 tỉnh thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ là 1/1/2016.

Theo phương án này thì hết ngày 30/6/2015, tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ bắt đầu ngắt sóng truyền hình analog đối với 1 số kênh truyền hình không thiết yếu. Đến ngày 31/10 sẽ tắt toàn bộ toàn bộ các kênh truyền hình tương tự.

Phương án tắt dần các kênh truyền hình tương tự bắt đầu từ những kênh không thiết yếu cũng sẽ được thực hiện trên cả nước mà trước hết là 4 tỉnh thành Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ từ sau 1/1/2016.

Lê Văn