Thị trường video trực tuyến châu Á lần đầu vượt 30 tỷ USD
 

Dữ liệu trích từ báo cáo “Phân phối băng rộng và video trực tuyến châu Á 2021” của hãng Media Partners Asia (MPA). Các phát hiện khác của nghiên cứu bao gồm: số lượng thuê bao trên mỗi hộ đạt 3,8 tại Nhật Bản và Australia; Disney Plus có thể đạt 80 triệu thuê bao trả tiền tại Ấn Độ; YouTube và ByteDance (công ty mẹ TikTok) là hai người chơi AVOD (video theo yêu cầu có quảng cáo) lớn nhất khu vực.

Báo cáo của MPA cho thấy doanh thu video trực tuyến châu Á năm 2020 là 30,5 tỷ USD. Hãng dự đoán tăng trưởng trung bình 12%/năm, đạt 54,5 tỷ USD vào năm 2025. Doanh thu (chưa bao gồm Trung Quốc) tăng 14% trong năm 2020, đạt 14 tỷ USD.

Theo báo cáo, các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Bộ ba Tencent Video, iQiyi và TikTok đang mở rộng trên toàn châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. TikTok thành công nhất xét về lượng sử dụng và tương tác tại Đông Nam Á và Nhật Bản dù thiếu các lựa chọn kiếm tiền. Ứng dụng đã bị cấm tại Ấn Độ. Trong khi đó, iQiyi ra mắt thành công tại Malaysia và cũng âm thầm vươn sang các thị trường Đông Nam Á khác.

Theo Giám đốc điều hành Vivek Couto của MPA, cả Tencent, iQiyi đều hi vọng các bộ phim Trung Quốc sẽ là “hit” tại Đông Nam Á. Đồng thời, họ bổ sung thêm phim hoạt hình, nội dung Hàn Quốc và nội dung gốc khác của địa phương. WeTV của Tencent Video đặc biệt thành công tại Thái Lan nhờ nội dung bản địa và bắt đầu phát triển tại Indonesia.

Các gã khổng lồ của thế giới cũng không thua kém. YouTube đang là người chơi thống trị khi chiếm khoảng 60% doanh thu AVOD tại châu Á – Thái Bình Dương (chưa bao gồm Trung Quốc). Nền tảng là đích đến cho những clip quảng bá và đôi khi là cả loạt nội dung chuyên nghiệp tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Các nhà sáng tạo nội dung tìm kiếm cảm hứng, thử nghiệm và tiếp thị nhiều thể loại mới trên nền tảng. Bên cạnh YouTube, thị phần của những người chơi bản địa cũng dần tăng, đặc biệt là các đài truyền hình sở hữu nội dung gốc và bản quyền thể thao.

MPA ước tính Netflix thu về doanh thu 2,5 tỷ USD năm 2020 tại châu Á – Thái Bình Dương nhờ thành công tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và sự phổ biến của nội dung châu Á (Hàn và Nhật) cũng như quốc tế. Tại Ấn Độ, thị trường của Netflix mở rộng nhờ thỏa thuận mới với Jio. Amazon Prime Video khá nổi tại Ấn Độ, Nhật Bản, đang tăng trưởng tại Australia. Disney Plus kết thúc năm 2020 với 30 triệu thuê bao tại châu Á. MPA dự đoán Disney Plus có thể đạt 80 tới 100 triệu thuê bao tại Ấn Độ nếu mua được bản quyền các môn thể thao “hot” và đầu tư vào nội dung trong nước.

Dù tăng trưởng thuê bao có thể giảm trong năm nay và việc sản xuất nội dung mới bị ảnh hưởng do dịch bệnh, quy mô và tốc độ đầu tư vào nội dung cao cấp đảm bảo lượng người dùng mới tiếp tục mạnh mẽ trong trung hạn. Lợi nhuận có thể tăng nhanh hơn doanh thu và số thuê bao khi các doanh nghiệp trực tuyến mở rộng quy mô. Điều này đặc biệt đúng tại một số thị trường lớn như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Ấn Độ và Đông Nam Á, con đường tới có lãi mất thời gian hơn do mức độ cạnh tranh cao và doanh thu trung bình trên mỗi người dùng thấp.

Du Lam (Theo Variety)

Phía sau hiện tượng "gã khổng lồ" Zoom

Phía sau hiện tượng "gã khổng lồ" Zoom

Kết thúc “The Four” – cuốn sách nói về bốn kỵ sĩ quyền lực nhất trong giới công nghệ (Amazon, Apple, Facebook, Google), Scott Galloway viết: “Sẽ có một kỵ sĩ thứ 5…hoặc một trong “The Four” sẽ bị thay thế. Và giờ là lúc đi tìm cái tên này”.