Cuộc cách mạng đang phủ rộng khắp thế giới

Năm 2013, sau 6 tháng ra mắt, mạng 4G chỉ xuất hiện tại 4 quốc gia và 3 nhà cung cấp tham gia sản xuất thiết bị. Nhưng trong cùng khoảng thời gian này năm 2019, đã có tới hơn 30 nhà mạng trên thế giới ra mắt 5G dù công nghệ mạng băng thông rộng này khó triển khai hơn nhiều so với 4G.

Nghiên cứu của Hãng tư vấn quản lý A.T. Kearney chỉ ra rằng, công nghệ 5G có tốc độ nhanh gấp 50 lần, độ trễ cực thấp và mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng không cao so với kết nối 4G. Tốc độ cao, độ trễ thấp sẽ giúp các nhà mạng cung cấp kết nối Internet siêu nhanh, truyền phát video độ phân giải cao, dịch vụ giải trí trên điện toán đám mây, nội dung tương tác dựa trên ứng dụng thực tế ảo tăng cường (AR/VR) tới người tiêu dùng. Họ cũng có thể thương mại hóa các mô hình dịch vụ và ứng dụng mới của mạng 5G như thành phố thông minh, các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) quy mô lớn...

{keywords}
 

Các ưu điểm vượt trội của 5G được đánh giá là mang đến nhiều cơ hội cho các nhà mạng viễn thông, không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ viễn thông mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh trong nhiều ngành kinh tế khác nhau.

Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 230 thiết bị 5G được ra mắt và phát triển. Dự báo, đến năm 2022 sẽ có hơn 1,4 tỉ chiếc smartphone 5G lưu thông trên toàn cầu. Trong năm 2019, có hơn 40 nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ trên nền tảng 5G; hơn 40 nhà sản xuất thiết bị phần cứng công bố các sản phẩm 5G và hơn 325 nhà mạng tại 109 quốc gia đầu tư vào công nghệ 5G.

Theo nghiên cứu “5G tại Đông Nam Á: Tái khởi động tăng trưởng tại các thị trường doanh nghiệp và tiêu dùng”, Cisco dự báo rằng đến năm 2025, tỷ lệ phổ cập của mạng 5G sẽ ở mức 25 - 40% tại các quốc gia chính trong khu vực. Tổng số thuê bao 5G tại khu vực ASEAN được dự báo vượt mức 200 triệu vào năm 2025. Cisco nhận định Việt Nam và Singapore dự kiến là hai quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai 5G năm 2020-2021. Triển khai dịch vụ 5G có thể giúp các công ty khai thác viễn thông Việt Nam tăng doanh thu thêm 300 triệu USD mỗi năm tính từ 2025.

Việt Nam: Nhà mạng lớn sẵn sàng

Nhận thức được tầm quan trọng của 5G, Việt Nam là 1 trong số những quốc gia đầu tiên thử nghiệm mạng di động thế hệ thứ 5. Từ cuối tháng 4/2019, Viettel đã lắp đặt, tích hợp trạm 5G đầu tiên Việt Nam tại Hà Nội và tiến hành cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam một tháng sau đó.

Đến đầu tháng 8/2019, Viettel tích hợp hạ tầng mạng lưới và phát sóng thử nghiệm 5G tại quận 10, TP.HCM. Cả 2 nhà mạng lớn còn lại của Việt Nam là VinaPhone và MobiFone đều đã được cấp phép triển khai 5G và thử nghiệm phát sóng ở một số quận tại TP.HCM.

Ngày 21/9/2019, Viettel công bố phát sóng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật và công bố đã hoàn thành việc xây dựng 1.000 trạm NB-IoT phủ sóng 100% TP.HCM. Đồng thời, nhà mạng này cũng phủ sóng 5G trên toàn bộ phường 12, quận 10 của thành phố, đưa TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng 5G liền mạch và IoT trên diện rộng.

Theo đại diện Viettel, cùng với Cloud, hệ thống cáp quang rộng khắp, hạ tầng 3G, 4G đã được Viettel đầu tư trước đó, NB-IoT và 5G được chính thức đưa vào khai thác là những nền tảng cốt lõi quan trọng cho việc xây dựng xã hội số và nền kinh tế số tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện trên thế giới mới có khoảng 10 quốc gia thương mại hóa 5G (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Nga). Với kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2020, Viettel sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai 5G.

{keywords}
 

Không dừng lại ở việc tiên phong triển khai mạng lưới hạ tầng và triển khai thử nghiệm thành công dịch vụ 5G trong phạm vi Việt Nam, công nghệ 5G của Viettel còn vươn ra quốc tế khi thử nghiệm thành công dịch vụ 5G Roaming với đối tác LG Uplus (nhà mạng đứng thứ 2 của Hàn Quốc về số lượng thuê bao 5G) vào tháng 10/2019. Kết quả đo kiểm bằng phần mềm Speedtest trong cuộc thử nghiệm dịch vụ 5G Roaming với đối tác LG Uplus cho thấy tốc độ Download đạt 72.4Mbps, ở mức gần như tối ưu trên băng thông hiện tại của Viettel và trung bình gấp khoảng 10 lần tốc độ Data 4G/LTE Roaming (chỉ đạt 5-10Mbps). Với thành công này, Viettel đã chuẩn bị sẵn sàng bùng nổ Roaming 5G ngay sau khi hạ tầng 5G trong nước được cấp phép và triển khai.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn, đó là tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; tạo kết nối cho vạn vật, IoT, nhất là các kết nối đòi hỏi phản ứng thời gian thực; thay đổi căn bản nhiều ngành công nghiệp (Vertical Industries), như các ngành công nghiệp sản xuất (Smart Factories), giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh. Theo Bộ trưởng, 5G cũng tạo ra một ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỷ thiết bị, sensors, cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành, và tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả.

Nhiều chuyên gia đánh giá, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng công nghệ trên bản đồ thế giới. Việc Việt Nam thương mại hóa công nghệ này trong năm 2020 để trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai 5G phù hợp với nỗ lực bắt kịp cuộc cách mạng 4.0, giúp doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh hơn ở quy mô toàn cầu.

Ngọc Hân