Đưa tin về sự kiện này, tờ NHK của Nhật Bản viết: “Vệ tinh MicroDragon do Việt Nam chế tạo là 1 trong số 7 vệ tinh được tên lửa Epsilon-4 của Nhật Bản đưa thành công lên quỹ đạo sáng thứ Sáu”.

“Vệ tinh được phóng lên dưới tên đăng ký của Đại học Keio, Nhật Bản. Vệ tinh MicroDragon nặng khoảng 50kg, mang cấu trúc hình lập phương mỗi cạnh khoảng 50cm, có nhiệm vụ quan sát màu nước biển phục vụ nuôi trồng thủy sản ven bờ biển Việt Nam. MicroDragon là vệ tinh đầu tiên do các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, trong khuôn khổ dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản”, NHK cho biết.

{keywords}
Vệ tinh MicroDragon trước khi phóng. Ảnh: VNSC

Phân tích kỹ về cấu tạo và nhiệm vụ vệ tinh MicroDragon của Việt Nam, tờ Prensa Latina (Cu Ba) đưa tin: “Việt Nam đã phóng vệ tinh dân sự của chính họ vào ngày thứ Sáu, 18/1 tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Có tên là MicroDragon, vệ tinh này đã bắt đầu hành trình quay quanh trái đất của mình 51 phút sau khi phóng và ở lại trên độ cao 514km”.

“Được phát triển bới 36 kỹ sư Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, vệ tinh MicroDragon đã vượt qua nhiều lần thử nghiệm với các kết quả khả quan và sẽ đáp ức các nhiệm vụ khí tượng, khoa học và các nhiệm vụ khác liên quan đến nông nghiệp cũng như thuỷ hải sản và ngư nghiệp”.

Theo Prensa Latina, với việc được trang bị hệ thống máy ảnh đa phổ, các bức ảnh có độ phân giải cao sẽ được MicroDragon gửi về mặt đất cũng như được sử dụng để trao đổi với các quốc gia khác nhằm nâng cao khả năng ứng khó với thiên tai và một số vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trong nước cũng như khu vực.

{keywords}
Lộ trình phát triển các vệ tinh tiếp theo do Việt Nam sản xuất sau MicroDragon.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã từng thành công trong việc chế tạo và phóng vệ tinh Pico Dragon vào tháng 11 năm 2013, và dự định chế tạo các vệ tinh Lotusat-1 và Lotusat-2 với khối lượng 600kg trong tương lai gần.

Nói về nhiệm vụ của vệ tinh MicroDragon, báo SpaceFlightNow (Anh) thông tin, vệ tinh nặng 111-pao (50.5kg) này sẽ được vận hành bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. MicroDragon sẽ theo dõi các đại dương trên thế giới để phân tích môi trường đánh bắt cá và tìm kiếm hiểm hoạ như tràn dầu. MicroDragon cũng sẽ đo đạc sol khí, các hạt vi mô lơ lửng trong khí quyển của Trái đất.

Ít giờ sau khi vệ tinh MicroDragon của Việt Nam được đưa lên quỹ đạo thành công, nhiều tờ báo quốc tế như Japantimes (Nhật Bản), NasaSpaceFlight cùng một số báo chí các nước Pháp, Mỹ,... cũng đã đưa tin về sự kiện phóng vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo.

Trọng Đạt