Trong khi Samsung tuyên bố vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến Glaxy Note 7 bốc cháy và phát nổ, trên các diễn đàn và mặt báo đã xuất hiện nhiều ý kiến của các chuyên gia về thủ phạm biến mẫu phablet này trở thành "bom nổ chậm". Theo một bài phân tích đăng tải trên trang Mashable đang thu hút sự chú ý của dư luận, thủ phạm giấu mặt gây sự cố Glaxy Note 7 có thể là thiết kế siêu mỏng.

{keywords}

Mỗi năm, các smartphone mới ra mắt đều được trang bị thêm các tính năng mới, pin lớn hơn cùng thiết kế cải tiến, thường mỏng hơn. Tuy nhiên, bất kỳ ai chơi chơi game đua xe Asphalt 8 cũng nhận thấy, dế cưng của họ nóng lên khi bị đẩy tới các giới hạn công suất.

Song, dù smartphone của bạn thuộc thương hiệu nào và bạn hâm mộ mẫu máy nào, một điều quan trọng cần ghi nhớ là, mọi thiết bị chạy bằng pin lithium-ion, không chỉ mình điện thoại, có thể phát nổ trong những điều kiện nhất định. Dĩ nhiên, hiện tượng đó hiếm khi xảy ra, ngay cả với các sản phẩm của Samsung.

Với sự cố của Galaxy Note 7, dư luận đưa ra nhiều phỏng đoán về nguyên nhân, từ lỗi pin tới lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm và nguy cơ xảy ra sự cố không thể tránh khỏi bắt nguồn từ yêu cầu ngày càng cao của người dùng đối với smartphone ngày nay (mạnh hơn, chống nước và mỏng nhẹ hơn, ...).

Thiết kế smartphone là công việc phức tạp và khó khăn. Đa số người dùng đều không nắm rõ các thách thức trong việc chế tạo một chiếc điện thoại đáp ứng những đòi hỏi cao ngày càng cao của chính họ.

Nếu ngắm nhìn các thiết bị di động ngày nay, bạn có thể thấy chúng đã tiến hóa nhiều đến mức nào. Từ những điện thoại cục gạch dày, nặng với lớp vỏ nhựa và bộ pin bé trước kia, các nhà sản xuất đã không ngừng nâng cấp sản phẩm, khiến hầu hết các smartphone đời mới hiện nay đều sở hữu lớp vỏ kim loại sang trọng, siêu mỏng, cấu hình mạnh cùng bộ pin lớn, có dung lượng "khủng" hơn và tính năng chống nước thời thượng. Các kỹ sư đã mất rất nhiều công sức để tìm ra cách gói gọn mọi tính năng ưu việt đó trong thân máy mỏng chưa từng có.

Các thiết kế thanh mảnh, ép nén chặt như trên chừa lại rất ít không gian cho quá trình thoát nhiệt cần thiết đối với smartphone, khi người dùng thực hiện các tác vụ đòi hỏi ngày càng cao như chơi game 3D, phát video trực tiếp, đa nhiệm, quay video 4K, ...

Bên cạnh đó, tính năng chống nước, dù vô cùng thuận tiện với người dùng, cũng có thể làm phức tạp thêm vấn đề. Các smartphone càng có chỉ số IP cao, càng có khả năng chống bụi và chống nước tốt hơn. Song, chúng cũng dễ bị hư tổn trước áp lực hơn so với những điện thoại không chống nước.

Tính gộp cả lượng nhiệt nóng phát tỏa quá lớn từ các bộ pin tích điện "khủng" hơn với độ nhạy cảm áp lực tăng lên của smartphone, những thiết bị này đang bị đẩy vào một tình trạng nguy hiểm (ít nhất nguy hiểm hơn cách đây vài năm), khiến chúng dễ bị cháy, nổ.

Với riêng trường hợp Galaxy Note 7, mẫu phablet này được trang bị bộ pin dung lượng lớn nhất trong các dòng máy Note, điều mà Samsung từng vô cùng tự hào. Như chúng ta thấy ở bảng trên, dung lượng pin của Galaxy Note 7 được tăng nhiều nhất trong nhiều năm qua, trong khi không gian vật lý dành cho các thành phần khác của máy lại bị cắt giảm.

So với mẫu Galaxy Note 5 năm ngoái, Samsung đã bổ sung thêm cho pin 500mAh, nhưng lại không tăng kích thước máy lên nhiều để hỗ trợ điều đó. Sự bó nén ở chiếc điện thoại vốn đã vô cùng thèm khát không gian, càng khiến môi trường bên trong lớp vỏ bất ổn hơn nhiều khi xảy ra trục trặc. Mức độ hư hại khi đó sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

Theo Bloomberg, một cơ quan an toàn sản phẩm tiêu dùng cho biết, những thiết bị Galaxy Note 7 bị thu hồi đợt đầu, được trang bị bộ pin do công ty Samsung SDI chế tạo, "hơi lớn hơn một chút đối với điện thoại". Các máy phablet đã thay pin do công ty Amperex Technology Limited (ATL) cung cấp cũng có thể gặp phải vấn đề này, dù hiện người ta vẫn chưa rõ chúng có bị dày hơn mức cần thiết hay không.

Một bài báo khác trên New York Times, trích dẫn các tài liệu rò rỉ tới tay đài SBS của Hàn Quốc nhận định, lỗi nguy hiểm chết người ở Galaxy Note 7 có thể bắt nguồn từ các bộ pin SDI bị lỗi, chứa các miếng cách ly gắn quá gần các rìa cong của thiết bị. Áp lực tăng thêm đối với các viên pin ép nén có thể dẫn tới hiện tượng "thermal runaway" (tạm dịch là "thoát nhiệt"), khiến pin lithium-ion rất dễ bốc cháy.

Các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục, hứa hẹn sẽ cung cấp nhiều chi tiết chính xác về thủ phạm khiến Galaxy Note 7 trở thành "bom nổ chậm". Tuy nhiên, với mẫu phablet này, dù Samsung không phải là hạng tay mơ trong việc tạo ra các smartphone tân tiến nhất, nhưng cuộc đua về thiết kế siêu mỏng, gói gọn nhiều tính năng "khủng" đã khiến công ty vướng vào thảm họa với mẫu flagship màn hình lớn trình làng năm nay.

Tuấn Anh