Google vừa tổ chức một buổi lễ hoành tráng tại San Francisco, Mỹ để giới thiệu một loạt sản phẩm phần cứng mới của hãng, bao gồm mẫu điện thoại ấp ủ từ lâu có tên Pixel, kính thực tế ảo có lớp vải che phủ Daydream View, đối thủ của Amazon Echo mang tên Google Home và một hệ thống wifi gia đình được gọi là Google WiFi. Song, nhiều nhà quan sát và chuyên gia phân tích tỏ ra thất vọng với màn thể hiện của "ông lớn" công nghệ này.

Tất nhiên, các sản phẩm mới ra mắt của Google không đến nỗi quá tệ. Không giống các thiết bị phần cứng ra mắt trước đây của hãng, tất cả các sản phẩm trình làng lần này đều do cùng một bộ phận, dưới sự chỉ đạo của cựu chủ tịch Motorola Rick Osterloh, chịu trách nhiệm phát triển. Vì vậy, chúng dường như có sự gắn kết với nhau mạch lạc hơn bao giờ hết.

{keywords}

Bộ đôi smartphone Pixel của Google sở hữu thiết kế rất giống iPhone 7.

Chẳng hạn như, trợ lý ảo thông minh của Google là Google Assistant xuất hiện trên cả loa Home kết nối wifi và dòng smartphone Pixel mới, dù cách kích hoạt có đôi chút khác biệt. Cụ thể là, để đánh thức Google Assistant, bạn phải nói "Okay Google" mỗi lần sử dụng với loa Google Home, trong khi ở điện thoại Pixel, bạn chỉ cần ấn và giữ phím Home. Ngoài ra, các smartphone Pixel cũng là dòng điện thoại đầu tiên của Google tương thích với kính thực tế ảo Daydream.

Bản thân các sản phẩm mới cũng được trang bị những tính năng khá tốt. Google Home thực sự hiểu và hành động đúng khi bạn ra lệnh "bật bài hát Smashmouth từ phim Shrek" hay yêu cầu nó tắt bộ ổn nhiệt Nest bằng giọng nói, ngay cả trong môi trường đông đúc, ồn ào. Pixel sở hữu các tính năng tốt tương đương các mẫu smartphone cao cấp khác. Daydream View là kính thực tế ảo được thiết kế chau chuốt, có nhiều phiên bản màu sắc với điều khiển từ xa và lớp vải mềm che phủ dễ chịu.

Dẫu vậy, theo các chuyên gia, loạt thiết bị mới trình làng cho thấy, Google vẫn chưa phải là một công ty phần cứng đẳng cấp sánh ngang được Apple, vì nhiều lí do dưới đây:

Google luôn đi sau, không phải người dẫn đầu

{keywords}

Kính thực tế ảo Daydream View cùng điều khiển từ xa bị chê thua kém công nghệ sản phẩm Facebook Oculus và PlayStation VR của Sony.

Tất cả các sản phẩm mới đều giống thứ gì đó đã tồn tại trước chúng. Dòng điện thoại Pixel với 2 phiên bản 5 inch và 5,5 inch được ví là "bản sao" của iPhone. Google Home trông không khác gì anh em song sinh của đối thủ Amazon Echo, trong khi Daydream View bị đánh giá là bộ kính thực tế ảo đời đầu rẻ tiền, kém xa sự phát triển tinh vi về công nghệ của Facebook Oculus và PlayStation VR của Sony. Google WiFi cũng bị chê bai là giống Eero hay nhiều sản phẩm "non tay" tương tự của các công ty khởi nghiệp.

Google không tự sản xuất smartphone

Google thiết kế ra Pixel nhưng quá trình chế tạo thực sự lại được giao cho HTC - một nhà sản xuất smartphone cũng có tên tuổi trên thị trường.

Google chưa đầu tư nghiêm túc phát triển phần cứng

Nếu Google thực sự muốn đầu tư nghiêm túc vào mảng kinh doanh phần cứng, tại sao hãng lại chi 12 tỉ USD để thâu tóm một nhà sản xuất điện thoại lớn - Motorola - vào năm 2011 và rồi bán lại cho Lenovo chỉ không đầy 3 năm sau đó? Khi bán Motorola, nhà đồng sáng lập Google Larry Page từng tuyên bố: "Việc sản xuất thiết bị di động dẫn tới tình trạng vắt kiệt sức". Nhiều người hoài nghi việc ông Page hiện đã thay đổi suy nghĩ này.

Google không tham gia bán lẻ

Một điểm trừ nữa đối với Google là hãng không thiết lập mạng lưới bán lẻ. Vậy mọi người sẽ trải nghiệm và mua những sản phẩm mới của hãng ở đâu? Khi Microsoft dấn sâu vào mảng kinh doanh phần cứng, hãng đã xây dựng một hệ thống cửa hàng bán lẻ hoành tráng. Amazon đang lên kế hoạch thiết lập tới 100 ki ốt bán lẻ tại các trung tâm thương mại. Trong khi đó, chiến lược bán lẻ của Google là bán hàng trực tuyến và sử dụng các đối tác, chẳng hạn như Walmart hay Best Buy. Một số ý kiến cho rằng, chiến lược này thực sự chưa hiệu quả trong việc đưa các sản phẩm của Google tiếp cận gần hơn và trực tiếp tới khách hàng.

Google chưa tách bạch về tài chính

Cho tới hiện tại, Google vẫn chưa tách bạch việc kinh doanh phần cứng khỏi doanh thu chung của hãng. Điều này ám chỉ, hãng có thể vẫn chưa thực sự chú trọng và đánh giá cao mảng kinh doanh này.

Đổi mới phần mềm lấn át phần cứng

{keywords}

Khi CEO Google Sundar Pichai bước lên sân khấu diễn thuyết tại buổi lễ ra mắt sản phẩm mới hôm 5/10, ông không bộc lộ sự phấn khích và hào hứng nhiều như từng thể hiện tại Google I/O, sự kiện thường niên của công ty dành cho các lập trình viên. Ông Pichai là một chuyên gia phát triển phần mềm và những dưới quyền ông cũng vậy. Ông tỏ ra sôi nổi nhất khi trình bày về kỹ năng học hỏi tuyệt vời của các cỗ máy Google trong việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Trung - một vấn đề khó, nhưng thuộc mảng kỹ thuật phần mềm, chứ không phải vấn đề phần cứng.

Lãnh đạo mảng phần cứng của Google Osterloh cũng đăng đàn để trấn an thế giới rằng, lần này, hãng rất nghiêm túc và chú trọng đến phần cứng sau một thời gian dài theo đuổi. Song, trong thực tế, phần tốt nhất trong các sản phẩm phần cứng mới ra mắt của Google lại không phải là phần cứng, mà lại là phần mềm và các dịch vụ trang bị cho chúng: bộ não đứng sau trợ lý ảo Google Assistant, khả năng lưu trữ ảnh không giới hạn cho điện thoại Pixel thông qua dịch vụ lưu trữ đám mây của Google, nền tảng thực tế ảo của Daydream, giúp các bên thứ ba có khả năng tạo ra nội dụng 3D.

Vì tất cả những lí do trên, Google vẫn chưa thể trở thành công ty phần cứng đẳng cấp như Apple. Cong đường Google đang đi dường như giống Microsoft nhiều hơn, khi công ty này bắt đầu lấn sân sang mảng phần cứng năm 2010 để giúp chứng minh những gì Windows 8 có thể làm được trên các thiết bị màn hình cảm ứng.

Microsoft đầu tư nghiêm túc cho mảng phần cứng và có một số nhà thiết kế tài năng. Họ đang tạo ra một số sản phẩm rất mạnh và buộc Apple phải quan tâm đối phó. Tuy nhiên, các thành tựu phần cứng đó đều nhằm phục vụ các sản phẩm khác của Microsoft và chiến lược nâng cao sản xuất rộng hơn của hãng, thay vì lợi ích của chính mảng kinh doanh phần cứng.

Tuấn Anh (Theo BI, The Verge)