Các nhà nghiên cứu vừa phát triển được một loại "giấy ma thuật" mới, có thể in chữ bằng ánh sáng cực tím (UV) thay vì mực như thông thường.

Điều đặc biệt về giấy ma thuật là người dùng có thể xóa chữ in bằng ánh sáng trên đó chỉ bằng cách đun nóng giấy tới 120°C. Giấy có thể được tái viết - xóa tới 80 lần.

Giấy ma thuật là sản phẩm sáng chế của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) và Đại học California (Mỹ). Giáo sư hóa học Yadong Yin, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: "Ý nghĩa lớn lao nhất của nghiên cứu là việc phát triển một hệ thống biến đổi màu phản xạ ánh sáng ở thể rắn, để tạo ra một loại giấy tái viết được, in bằng ánh sáng thay vì mực nhưng cho cảm giác và diện mạo như giấy thông thường. Công trình của chúng tôi được tin là mang lại rất nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và môi trường cho xã hội hiện đại".

Theo giáo sư Yin, nghiên cứu của ông và các cộng sự được thực hiện như một nỗ lực nhằm làm giảm tác động của quá trình sản xuất giấy đối với tình trạng chặt phá rừng. Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng tại Mỹ, 30% số cây đốn hạ được dùng để sản xuất giấy và bìa các-tông. Việc sản xuất cũng như thải loại giấy hiện có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến môi trường và là nguồn gây ô nhiễm công nghiệp chính trên thế giới. Giấy thải loại chiếm tới xấp xỉ 40% các bãi chôn rác. Ngay cả giấy tái chế cũng góp phần gây ô nhiễm, vì mực trên giấy cần phải được loại bỏ đầu tiên.

Để giải quyết các vấn đề trên, giới nghiên cứu đã cố gắng phát triển các giải pháp thay thế giấy dùng một lần. Một trong những phương pháp được xem xét là tận dụng các đặc tính biến đổi màu của một số hóa chất, nhưng nó từng làm nảy sinh các rắc rối do những khó khăn trong việc đảo ngược màu mực, chi phí cao, sự độc hại và thách thức trong việc tạo lớp phủ đối với giấy thông thường.

Tuy nhiên, giáo sư Yin tuyên bố, sáng chế của ông và các cộng sự đã khắc phục được những nhược điểm kể trên và có thể ứng dụng đối với bất kỳ vùng có in chữ nào chỉ trong một thời gian ngắn. Bí mật nằm ở công nghệ hóa chất biến đổi màu, được phủ thành một lớp mỏng bên trên các loại giấy thông thường.

Lớp phủ mới này bao gồm 2 loại hạt: xanh Prussia - một chất sắc tố xanh dương không độc, biến đổi thành không màu khi nhận các hạt electron và titanium dioxide - một vật liệu thúc đẩy các phản ứng hóa học khi tiếp xúc với ánh sáng UV. Khi hai loại hạt này được trộn với nhau và phủ lên giấy thông thường, giấy trông có màu xanh dương. Để in chữ hoặc hình ảnh lên nó, giấy được cho tiếp xúc với ánh sáng UV, kích thích các hạt titanium dioxide.

Khi bị kích thích, các hạt titanium dioxide giải phóng các electron. Trong khi đó, các hạt xanh Prussia thu nhận những electron đó và chuyển từ màu xanh dương sang không màu. Vì mắt người dễ đọc chữ màu xanh dương trên nền không màu hơn ngược lại. nên nhóm sáng chế đang để giấy ma thuật biến màu theo cách đó. Tuy nhiên, giấy vẫn có thể được in đảo ngược để có chữ không màu trên nên xanh. Họ cũng có thể khiến giấy có màu sắc khác bằng cách sử dụng hạt màu thay thế cho hạt xanh Prussia.

Sau khi giấy được in, nó sẽ vẫn giữ chữ hoặc hình ảnh ở độ phân giải cao trong 5 ngày, rồi sau đó mờ dần về màu xanh dương. Tuy nhiên, đun nóng giấy khoảng 10 phút có thể giúp chúng ta xóa bỏ mọi nội dung in trên đó nhanh chóng.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, giấy ma thuật sẽ không đắt đỏ khi đi vào sản xuất đại trà. Nó có thể được ứng dụng cho các hoạt động ghi hoặc đọc thông tin tạm thời, vì dụ như báo, tạp chí, áp phích, tập giấy ghi chép, cảm biến oxy, ... Mục tiêu tiếp theo của nhóm sáng chế là thiết kế một máy in laser hoạt động được với giấy ma thuật.

Tuấn Anh (theo Daily Mail)