Công nghệ thông tin là thế mạnh của trẻ em phố thị, song vẫn là hạn chế của học sinh vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Đổi mới Sáng tạo trên Nền tảng CNTT (Microsoft Education Exchange) năm nay đã nhận được nhiều dự án giảng dạy dành cho học sinh miền cao gửi về. Các dự án trải dài từ Lạng Sơn đến Đắk Lắk, Đắk Nông… cho thấy nỗ lực “gieo chữ, cõng công nghệ” phi thường của các thầy cô thế hệ 4.0.

“Gieo” ngôn ngữ lập trình về trường làng

Là một giáo viên môn Tin tiểu học, cô Triệu Mai Hương (Tiểu học II Thị trấn Hữu Lũng, Lạng Sơn) nhiều năm tìm kiếm phương pháp dạy mới giúp trẻ em quê hương hội nhập toàn cầu, rèn luyện các kĩ năng cần thiết thời đại 4.0. Nhận thấy trẻ nhỏ đều thích các trò chơi trên máy tính, cô theo đuổi lối dạy cuốn hút qua các trò chơi (Game-based learning), tìm kiếm những trò chơi thích hợp sử dụng phần mềm lập trình thế giới ảo 3D Cospaces. 

{keywords}
 

Dự án “Câu lạc bộ chuyên gia lập trình nhí Cospaces” đã mang về những thay đổi bất ngờ cho hơn 400 em học sinh nơi trường huyện nghèo. Ban đầu, trẻ học cách đưa Cospaces vào cuộc sống với những câu lệnh đơn giản. Sau đó, tự phát triển thành các game tương tác học Toán, Anh, Văn hóc búa hơn. Trẻ học nhanh đến mức, giờ đây còn biết cách dùng Cospaces tạo các video nghệ thuật thể hiện tình cảm với cha mẹ thầy cô vào dịp đặc biệt; làm sống lại kho truyện cổ tích quê hương.

Để chuẩn bị cho dự án, cô Hương cho biết đã hoàn thành 71 khóa học công nghệ và lập trình trên trang Cộng đồng giáo dục Microsoft. “Ở đây, tôi tìm thấy nguồn học liệu đa dạng để nâng cao chuyên môn cũng như nhận thêm kinh nghiệm quản lý học sinh trong thế kỉ 21. Ở đây, tôi được học hỏi từ các nhà giáo dục giúp nâng cao kĩ năng sư phạm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lớp học sao cho hiệu quả, giúp tăng cường tiếng nói của học sinh, giúp bài giảng của tôi trở nên tốt hơn và sáng tạo hơn mỗi ngày. Cảm ơn Microsoft Việt Nam đã cho tôi cơ hội học tập, tiếp cận nguồn học liệu bổ ích”, cô chia sẻ.

{keywords}
Cô Triệu Mai Hương khen ngợi và tương tác trực tiếp với học sinh ngay trên phần mềm.

“Cõng” công nghệ thông tin lên bản cao

Bên cạnh việc mang giáo án 4.0 lên vùng cao, nhiều dự án còn góp phần giải quyết các vấn đề nhức nhối về an ninh mạng. Dự án “Let's be safe online” liên môn Tin - Anh - Văn - Giáo dục công dân mà cô Võ Thị Trúc Mân (THCS Phan Chu Trinh, Đắk Nông) theo đuổi suốt 10 tuần qua là một ví dụ. Cùng với việc thành lập 4 nhóm chuyên gia lần đầu tiên mổ xẻ các nguy cơ cám dỗ trên thế giới ảo, dự án đã giúp các học sinh nông thôn trưởng thành hơn rất nhiều khi tham gia Internet. 

Cụ thể, trẻ học được kỹ năng cần thiết để không bị bắt nạt trên mạng xã hội, giảm tình trạng bạo lực học đường, nhận diện trang tin không phù hợp, đối phó với kẻ săn mồi trực tuyến, ngưng tiết lộ thông tin cá nhân đúng lúc… Quan trọng hơn, các em Đắk Mil lần đầu được đóng vai làm đạo diễn, phóng viên và nhà thiết kế poster, sử dụng các công cụ công nghệ thông tin ở tầm cao mới nhằm lan tỏa chiến dịch đến những bạn trẻ thiếu kỹ năng sinh tồn trên mạng xã hội.

“Có em còn hỏi cô giáo, liệu kì 2 tụi em có được học như thế này nữa không. Điều này khiến tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được điều có ích và truyền cảm hứng giải quyết các vấn đề xã hội cho học sinh”, cô Mân nói. 

{keywords}
Poster do học sinh THCS Phan Chu Trinh, Đắk Nông thiết kế.

Liên quan đến vấn đề xã hội, một dự án liên trường về chủ đề chống rác thải nhựa cũng để lại nhiều tiếng vang. Đó là dự án “Bí ẩn từ những chiếc bạt” của lớp 5G, Tiểu học Hàm Nghi (Quảng Trị) do cô Nguyễn Thị Duyên hướng dẫn và lớp 10A3, THPT Phan Chu Trinh (Cư Jút, Đăk Nông) do cô Võ Tuyết Thành hướng dẫn. 

Tham gia dự án, lần đầu tiên các em được trao đổi các giải pháp từ xa với nhà báo Lê Thanh Phong qua phần mềm Skype ngay trên lớp học. Học sinh còn được hướng dẫn làm phiếu điều tra bằng Microsoft Form lấy ý kiến cộng đồng, thiết kế tranh ảnh tuyên truyền bằng PowerPoint... Cuối cùng, bắt tay vào thu gom chai nhựa và bạt cũ tái chế làm áo dài, câu đối, băng rôn, vẽ tranh... lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Trao yêu thương, “gặt” kỹ năng

Ở các trường vùng cao, sự thay đổi trong tư duy và cách thức dạy học ứng dụng công nghệ đã tạo nên sự đột phá không ngờ về chất lượng. Tuy nhiên, cô Hồ Thị Sen (Tiểu học Bế Văn Đàn, Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, để gặt trái ngọt đó, bản thân cô từng “lang thang” trên Internet nhiều năm tìm kiếm phương pháp dạy tích cực. Chính cơ duyên gặp gỡ Cộng đồng Microsoft Tây Nguyên đã giúp cô tìm ra con đường và bộ công cụ ứng dụng thường xuyên vào mỗi lớp học bây giờ.

“Dự án “Trao yêu thương, gặt kỹ năng” xuất phát từ sự hiếu học của các em học sinh xã Ea Kuêh. Các em có niềm đam mê, mong muốn học hỏi và thay đổi trong từng suy nghĩ. Tôi không thể không tạo cho các em cơ hội được trải nghiệm và thử sức mình”, cô Sen tâm sự.

Nhiều tháng nay, hễ đến 13h30 chiều thứ Sáu hàng tuần là cô trò khối 5 lại hẹn nhau sinh hoạt câu lạc bộ tin học. Trẻ được “mổ xẻ” chiếc máy tính, học thiết kế thiệp mừng, vẽ tranh trên Paint, thuyết trình với PowerPoint, lập trình và giải toán với phần mềm Scratch, học tiếng Anh qua các website bổ ích... 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song cô Sen cho biết rất tự hào về các thành quả nỗ lực của các em. Cô cho rằng, mỗi nhà giáo tâm huyết đều có chung nỗi trăn trở, không ngừng tìm tòi những phương pháp dạy mới phù hợp với nhịp phát triển của giáo dục hiện đại. 

Nguyễn Minh (tổng hợp)