Hana - chatbot thúc đẩy con người

“Bạn khỏe không?” là câu hỏi đơn giản với hầu hết chúng ta nhưng vẫn là bài toán khó của nhiều trợ lý ảo tại Việt Nam. Nhận biết vấn đề thông qua từ khóa nên không ít trường hợp câu trả lời của trợ lý ảo xa rời nội dung câu hỏi.

Không chỉ mất lòng người mua, trợ lý ảo cũng chưa làm vừa lòng người bán. Các nhà bán hàng tại Việt Nam vẫn kỳ vọng công cụ này có thể giúp họ chăm sóc khách và bán được hàng.

Tuy nhiên, người thuyết trình của đội Hana - ứng dụng chuyên phát triển trợ lý ảo, nói trong cuộc thi: “Tôi khẳng định việc áp dụng chatbot để thay thế con người sẽ thất bại hoàn toàn. Robot không thể giúp bạn bán hàng bởi con người đi kinh doanh nhiều khi còn thất bại chứ đừng nói tới máy. Nó chỉ nên giúp bạn tối ưu việc chăm sóc khách hàng để bán được nhiều hàng hơn”.

{keywords}
 Không đoạt giải nhưng Hana vẫn được Viettel chọn hợp tác.

Được gọi với tên thân mật “các cô”, nền tảng chatbot Hana giúp chăm sóc khách hàng mọi lúc mọi nơi. Hana cho rằng 80% ngân sách quảng cáo của doanh nghiệp không có giá trị vì khách hàng tiềm năng không được chăm sóc phù hợp. Chatbot này được xây dựng để giải quyết những vấn đề đó.

Không vận hành thông qua phương thức bắt từ khóa, Hana được giới thiệu xử lý tình huống theo ngữ cảnh, ý định, cảm xúc của khách hàng. Hiện nay có 15.000 chatbot Hana hoạt động, xử lý 5 triệu tin nhắn/ngày. Đây hứa hẹn là công cụ tích cực để tăng cường sự hỗ trợ cho marketing và sale.

Mục tiêu của Hana là 80% khách hàng chưa mua sản phẩm. Không cướp việc của con người, Hana còn khiến các doanh nghiệp phải tăng nhân sự để đổi lại tăng doanh thu mạnh.

Ra đời để phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng hiện tại, Hana chú trọng hợp tác với doanh nghiệp lớn và SME chất lượng để hoàn thiện kịch bản mẫu. Chọn đi chậm mà chắc, nền tảng chatbot này không đặt nặng số lượng người dùng ở hiện tại.

Không được trao giải nhưng nằm trong top 10, Hana vẫn có cơ hội hợp tác cùng Tập đoàn Viettel với hơn 100 triệu khách hàng tại 11 thị trường ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Viettel đã triển khai chatbot nhưng việc khiến trợ lý ảo trở nên thông minh hơn, gần gũi hơn là nhu cầu hiện hữu. Bên cạnh đó, việc hợp tác với Viettel cũng tạo cơ hội để Hana có đối tác đầu tư, truyền thông và network lớn.

Trên thực tế, trong vai trò là đơn vị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Viet Solutions 2020, Viettel khẳng định mang tới cơ hội hợp tác cho tất cả đội dự thi. Năm 2019, Viettel cũng tổ chức Viettel Advanced Solution Track. Cuộc thi tạo cơ hội trưởng thành cho nhiều startup non trẻ, thậm chí mới chỉ là ý tưởng.

Sigma DRM - giải pháp cho “phần tài sản” bị doanh nghiệp lãng quên

Trong bối cảnh thế giới chuyển đổi số mạnh mẽ, tài sản số ngày càng trở nên quan trọng. Sigma DRM mang tới giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trong kỷ nguyên 4.0.

{keywords}
Sigma DRM nhìn thấy thị trường lớn trong định hướng hợp tác với Viettel

Dẫn câu chuyện video nhạy cảm từ hàng nghìn máy quay giám sát trong các gia đình châu Á bị phát tán trên web đen, Sigma DRM tin rằng bảo vệ tài nguyên số không chỉ là nhu cầu của doanh nghiệp, mà còn của hộ gia đình.

Là sản phẩm “made in Vietnam”, Sigma DRM hướng tới tạo ra giải pháp bảo mật bằng thuật toán chi phí thấp, vận hành đơn giản để tiếp cận doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong phần trao đổi với ban giám khảo, đại diện Sigma DMR cho biết sở dĩ Việt Nam chưa ai làm sản phẩm tương tự bởi người Việt quan tâm đến các vấn đề khác hơn là bảo vệ nội dung số. Ngoài ra, đây là một ngành đặc thù và khó, không phải ai muốn làm cũng được.

Với đội ngũ chuyên gia bảo mật nhiều kinh nghiệm, Thudo MultiMedia - đơn vị sở hữu Sigma DRM - tin rằng mình có đủ kiến thức và hiểu biết để đưa ra sản phẩm chất lượng, phù hợp cho thị trường Việt Nam.

Chọn lĩnh vực mới với hầu hết người Việt, Sigma DRM tìm thấy không chỉ tìm thấy cơ hội thu hút sự chú ý của truyền thông tại Viet Solutions mà còn là cơ hội hợp tác với Tập đoàn Viettel.

Acabiz - dùng AI chỉ ra điểm yếu của người dùng

Năm 2017, 77% số doanh nghiệp Mỹ áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến nhưng ở Việt Nam, con số vẫn còn khiêm tốn. Hiện tại, đào tạo trực tuyến mới được áp dụng ở những công ty, tập đoàn lớn. 95% số doanh nghiệp còn lại vẫn năm ngoài cuộc chơi.

{keywords}
Acabiz dự kiến sử dụng AI để gợi ý bài học phù hợp

Unica ra mắt Acabiz - sản phẩm phát triển hình thức đào tạo trực tuyến nhằm thích ứng với yêu cầu mới, nhất là khi dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới.

Với kho nội dung 10.000 bài học và hàng trăm kỹ năng cần thiết, đội ngũ phát triển tin rằng Acabiz có thể tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho đào tạo hàng năm của doanh nghiệp. Ngoài ra, lượng bài học mà nhà phát triển mô tả nhiều hơn hẳn đối thủ, khiến họ có cơ hội cạnh tranh lớn.

Bên cạnh hệ thống đánh giá để biết sự tiến bộ của người dùng, Acabiz còn tham vọng sử dụng AI phát hiện điểm yếu nhân sự và gợi ý các bài học phù hợp. Phương pháp gợi ý hiện tại vẫn phụ thuộc vào các thao tác thủ công, trong đó nhân sự tự chọn mình yếu ở đâu để được gợi ý đào tạo.

Trên thực tế, startup này vẫn trong quá trình nỗ lực hoàn thiện sản phẩm. Với 100 khách hàng và đặt mục tiêu doanh thu 4 tỷ đồng năm 2020, Acabiz đến với Viet Solutions 2020 cùng tham vọng có thể hợp tác với Viettel và các doanh nghiệp lớn khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc Viettel Solutions, thành viên Tập đoàn Viettel - chia sẻ: “Viet Solutions 2020 không chỉ có 3 giải thưởng. Thực tế, điều giá trị nhất đối với các đội thi là động lực hoàn thiện sản phẩm, cơ hội học hỏi, hợp tác cũng như quảng bá sản phẩm tới cộng đồng doanh nghiệp và người dùng. Ngay cả đội thi không đoạt giải hay không thuộc nhóm 10 cái tên ở vòng chung kết, các bạn vẫn có cơ hội hợp tác với Viettel hay nhiều tập đoàn lớn khác đỡ đầu cho Viet Solutions”.

Thu Hiền