Khi Facebook chập chững những bước đi đầu tiên vào Việt Nam, các mạng xã hội Việt đã sẵn ở đó. Thế nhưng, sau nhiều năm, các đối thủ của Facebook lần lượt rơi rụng. 

Điều tương tự cũng xảy ra khi YouTube hay TikTok xâm chiếm thị trường Việt khiến nhiều người thắc mắc, vì đâu nên nỗi này?

Đầu tiên, rào cản lớn nhất khiến cuộc đua trở nên không cân sức giữa sản phẩm Việt và sản phẩm ngoại, đó chính là vấn đề vốn. Khi streaming bắt đầu manh nha ở Việt Nam, ccTalk (sau đó đổi tên là TalkTV) của VNG đã ở đó từ năm 2014 và thống trị thị trường trong khoảng thời gian tương đối dài.

Đây chính là nơi tạo ra các idol trên mạng đầu tiên ở Việt Nam, tức những người ca hát nhảy múa để nhận tiền ủng hộ (donate) từ người xem. TalkTV còn là bệ phóng cho những ViruSs, PewPew và từng góp phần tạo ra cơn sốt Happy Polla ở Việt Nam. 

Vì sao các nền tảng trực tiếp Việt thường thua đau trên sân nhà?
ccTalk từng làm mưa làm gió ở Việt Nam kể từ năm 2014 (trong ảnh: hiện tượng mạng Lệ Rơi)

Đáng tiếc, nền tảng này không thể giữ chân các idol, streamer của mình lâu hơn trước làn sóng từ Bigo Live, Nimo TV, Nonolive để rồi đành âm thầm đóng cửa vào khoảng cuối năm 2018.

Nỗ lực thay đổi và làm mới sản phẩm của VNG bằng 360Live sau đó cũng không đạt được hiệu quả khi nền tảng này cũng âm thầm dừng hoạt động từ lâu. Các số liệu nội bộ liên quan đến những sản phẩm của công ty chưa từng được VNG chính thức công bố, nhưng ước tính ở thời kỳ hoàng kim TalkTV thu hút khoảng 100.000 người xem cùng thời điểm (CCU), theo cựu Giám đốc sản phẩm Lã Xuân Thắng.

Còn với Umbala, CEO Nguyễn Minh Thảo đã nhiều lần thừa nhận việc bị đối thủ TikTok dùng tiền đè bẹp như thế nào. Công ty của anh từng bị đối thủ chèo kéo nhân sự với mức đề nghị (offer) gấp 5 lần và lôi kéo những người làm nội dung nhảy sang TikTok với mức giá 200.000 đồng/video.

Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, từng bỏ tới 1 tỷ USD để thâu tóm Musical.ly của Mỹ hồi năm 2017. Trong khi đó, Bigo Live, Nimo TV hay Nonolive đều nhận được hàng trăm triệu USD tiền đầu tư để tấn công vào thị trường ở khu vực Đông Nam Á. 

Bigo Live đã bị YY.com của Trung Quốc mua lại hồi năm 2019. Cả Nonolive và Nimo TV thì đều thuộc sở hữu của hai nền tảng livestream lớn nhất nhì Trung Quốc là Douyu và Huya. Cổ đông lớn nhất ở đây chính là gã khổng lồ Tencent. 

Có thể thấy, đặc điểm chung của những nền tảng ngoại là ‘mạnh vì gạo, bạo vì tiền’. Vì thế các idol, streamer Việt khó lòng cưỡng lại những lời mời gọi béo bở. Linh Ngọc Đàm từng tiết lộ cô được trả 20.000 USD/tháng để làm việc cho Nonolive hồi năm 2018, nhưng đây vẫn chưa phải là streamer nằm trong nhóm thu nhập cao nhất Việt Nam hiện nay. 

Vì sao các nền tảng trực tiếp Việt thường thua đau trên sân nhà?
Một số nền tảng trong hệ sinh thái mobile ngày trước (nguồn: Adsota)

Vấn đề thiếu vốn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của nền tảng Việt. Nó còn trực tiếp làm suy yếu khả năng duy trì và phát triển sản phẩm nội bộ. Ở thời điểm huy hoàng, ccTalk (hay TalkTV sau này) thường xuyên bị người dùng phản ánh vì tình trạng lag giật, lỗi sau khi update. Khả năng chịu tải của server, băng thông (bandwidth) là rào cản lớn khiến lượng người xem nền tảng này không có được sự ổn định và bứt phá như Facebook hay YouTube bây giờ. 

Kỷ lục livestream của Facebook Gaming ở Việt Nam là 137.000 người xem cùng lúc do Nam Blue vừa thiết lập hồi tháng 8/2020. Trong khi đó, YouTube cũng vừa ghi nhận kỷ lục 242.000 người xem Độ Mixi sau vụ scandal chửi bậy bị lên sóng VTV. Còn với TalkTV, kỷ lục cao nhất được tạo ra là 30.000 người xem trận showmatch giữa hai tuyển thủ QTV và SofM hồi năm 2015. 

Đấy mới chỉ là tính riêng mảng game, ở các lĩnh vực khác, TalkTV hay bất cứ nền tảng Việt nào đều không có cửa so sánh với đối thủ ngoại. Gần nhất, Rap Việt đã lập kỷ lục xem truyền hình đối với một gameshow bằng con số 700.000 người xem cùng lúc trên YouTube. Xa hơn, các trận đấu của U23 Việt Nam từng lập kỷ lục người xem trên YouTube hay Facebook lên tới cả triệu người cùng lúc.

Vì sao các nền tảng trực tiếp Việt thường thua đau trên sân nhà?
Mạng xã hội Việt Gapo hiện có hơn 4 triệu người dùng nhưng không rõ lượng người dùng thường xuyên là bao nhiêu (DAU, MAU)

Gần đây, những mạng xã hội Việt như Gapo hay Lotus cũng cố gắng làm điều tương tự khi lôi kéo những người nổi tiếng livestream nhằm thu hút người xem trực tiếp các nền tảng. Tuy nhiên, các mạng xã hội này vẫn gặp phải bài toán khó tương tự TalkTV ngày nào.

Nhìn về thành công gần đây của TikTok, khi được ICTnews đặt câu hỏi, cả VNG và Umbala đều chưa đưa ra được đáp án vì sao nền tảng Việt thường gặp khó trên sân nhà, tính tới thời điểm viết bài. Nếu không thể tìm ra được đáp án, việc đánh bật đối thủ mới nổi như TikTok đã khó, với những kẻ ‘già dơ’ như YouTube hay Facebook còn khó nhằn hơn. 

Phương Nguyễn

Những bài học đắt giá  của TikTok rút ra cho nền tảng Việt

Những bài học đắt giá của TikTok rút ra cho nền tảng Việt

Trước khi lâm vào cảnh lao đao như hiện nay, TikTok đã trở thành một bài học kinh điển (case study) về thành công trên vai người khổng lồ mà các startup công nghệ Việt có thể học hỏi.