- Cục Viễn thông cho biết đang thẩm định hồ sơ và xem xét cấp phép kinh doanh dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz cho hai mạng MobiFone cùng GTEL Mobile.

{keywords}

Trả lời VietNamNet tối 14/10, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, có 4 doanh nghiệp được xét cấp phép trong đợt đầu tiên, gồm Viettel, VNPT, MobiFone và GTEL Mobile. Đây đều là các doanh nghiệp đã được cấp băng tần 1800MHz để cung cấp dịch vụ di động công nghệ 2G từ trước.

Một doanh nghiệp từng xin phép thử nghiệm 4G là FPT Telecom không có tên trong đợt xét duyệt lần này.

Về mặt thủ tục, việc cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất công nghệ 4G trên băng tần 1800MHz được thực hiện thông qua thủ tục sửa đổi, bổ sung các giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động công nghệ 2G, 3G đã cấp cho doanh nghiệp, Cục Viễn thông cho biết thêm.

Một điểm mới so với khi cấp phép 3G trước đây là nội dung của giấy phép quy định rõ các trách nhiệm của nhà mạng như phạm vi thiết lập mạng, phạm vi cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ, giá cước... cùng các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Những quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng, tính khả thi của việc tổ chức triển khai, thực hiện giấy phép cũng như công tác thực thi sau cấp phép, Cục Viễn thông nhấn mạnh.

Các nhà mạng lớn của Việt Nam lần lượt triển khai thử nghiệm 4G từ cuối năm ngoái.

Đầu tháng 9, Cục Viễn thông đã có công văn hướng dẫn các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép 4G, trên cơ sở xem xét, đánh giá kết quả thử nghiệm trước đó. Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ cùng doanh nghiệp để thẩm định kết quả, các mô hình kinh doanh, kế hoạch triển khai hạ tầng mạng lưới... trước khi tiến hành cấp phép.

Được biết đến đầu tháng 10 vừa qua, 4 nhà mạng đã nộp xong hồ sơ xin cấp phép về Bộ TT&TT.

Nhận định về thời điểm cấp phép 4G tại Việt Nam, các chuyện gia đánh giá 2016 là thời điểm chín muồi, lý tưởng và hoàn toàn phù hợp với tình hình, điều kiện của thị trường hiện nay. Tuy triển khai 4G sau một số nước trong khu vực, song Việt Nam lại được hưởng lợi từ xu thế giá thành thiết bị đầu cuối 4G rẻ đi, cũng như rút được nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước đi trước. Yếu tố quan trọng nhất để quyết định thành công của 4G tại Việt Nam lúc này là một chính sách cước hợp lý từ các nhà mạng cùng hệ sinh thái ứng dụng đa dạng, phong phú.

T.C