- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng kiến nghị Bộ TT&TT không rút nhà mạng nào ra khỏi Top 3 doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường "để tránh tình trạng người dùng nhao từ mạng này sang mạng khác".

{keywords}
VinaPhone có thể được rút ra khỏi nhóm 3 nhà mạng thống lĩnh thị trường

Phát biểu sáng nay tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015 của Bộ TT&TT, ông Dũng cho rằng, "thị trường và khách hàng bao giờ cũng coi Viettel, MobiFone và VinaPhone đang là những doanh nghiệp lớn gần tương đương nhau". Do đó, nếu một doanh nghiệp được rút ra khỏi vị trí thống lĩnh thị trường, đồng nghĩa với việc được "nới lỏng quản lý hơn", thì nếu nhà mạng đó thay đổi chính sách về giá, "khách hàng sẽ nhao từ mạng này sang mạng kia, gây xáo trộn thị trường", ông Dũng nêu kịch bản. Thậm chí, đại diện của Viettel còn cảnh báo việc này "thậm chí có thể gây ra cuộc chiến về giá".

Để kết luận, ông Dũng đề nghị Bộ "cứ giữ nguyên" ba nhà mạng trong Tốp thống lĩnh thị trường như hiện nay và vẫn "quản lý 3 mạng như cũ".

Đề xuất này không nhận được sự đồng tình từ phía Cục Viễn thông. Ông Phan Tâm, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Bộ ban hành danh mục doanh nghiệp thống lĩnh thị trường theo từng thời kỳ. Các văn bản pháp luật hiện nay cũng quy định rất rõ những tiêu chí về doanh thu, thị phần để dựa vào đó đánh giá một doanh nghiệp có nằm trong nhóm thống lĩnh hay không. Việc quyết định có đưa một doanh nghiệp hay không đưa một doanh nghiệp vào danh mục này không phụ thuộc ý chí chủ quan của Bộ, còn nhận thức của xã hội chỉ là một kênh thông tin tham khảo, ông Tâm nêu quan điểm ….

Theo quy định, các nhà mạng phải gửi báo cáo định kỳ về Bộ TT&TT, nêu rõ doanh thu, lợi nhuận, thị phần của mình. Số liệu của Bộ TT&TT năm 2014 cho thấy, Viettel đang nắm giữ hơn 52% thị phần, tương đương 55,5 triệu thuê bao. Trong khi đó, MobiFone có khoảng 40 triệu thuê bao và VinaPhone khoảng 26 triệu thuê bao. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, năm nay số liệu vẫn chưa thay đổi nhiều nên các doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng đồng tình rằng, các doanh nghiệp viễn thông cần phát triển bền vững bằng cách triển khai các dịch vụ mới, cải tiến chất lượng dịch vụ, khâu chăm sóc khách hàng... thay vì giảm giá quá mức, làm méo mó thị trường. 

Trước đó, tại Hội nghị triển khai SXKD 2015 của VinaPhone hồi đầu tháng 1, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chỉ đạo Cục Viễn thông kiểm tra, xem xét lại xem thị phần của VinaPhone còn nằm trong nhóm doanh nghiệp nắm thị phần thống lĩnh thị trường hay không. Nếu con số này thấp hơn 30% thì VinaPhone có thể ra khỏi nhóm này và có thể tự quyết định được giá cước, không phải thực hiện đăng ký giá cước mới với cơ quan quản lý và chịu cơ chế tiền kiểm (xem có bán thấp dưới giá thành hay không) nữa. Theo quy định hiện hành, những doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế có thể ban hành giá cước thấp hơn giá thành nhưng không quá thấp so với giá cước trung bình của thị trường.

Trọng Cầm