Liên tiếp trong thời gian gần đây, các thương vụ mua bán ứng dụng tin nhắn “gây sốt” các phương tiện thông tin truyền thông bằng các mức giá chuyển nhượng cao ngất. Vì sao các ứng dụng này đắt đỏ như vậy?

Trong khi WhatsApp cho đến gần đây vẫn giữ dịch vụ tin nhắn của mình đơn giản và không gắn quảng cáo thì các đối thủ như Line, Kakao Talk và WeChat đã và đang đua nhau tìm cách kiếm tiền thông qua các dịch vụ gia tăng như trò chơi đồ họa và các tài khoản chính thức cho giới kinh doanh. Với mỗi ứng dụng này, một thách thức lớn là làm sao đảm bảo được rằng, các nỗ tạo doanh thu đó sẽ không lấy đi sự hấp dẫn của chúng, như các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội.

{keywords} 

Line, một ứng dụng tin nhắn phổ biến ở Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan, hiện có 3 nguồn tạo doanh thu chính, bao gồm: các trò chơi miễn phí - kiếm tiền từ hoạt động mua sắm các món đồ ảo hay các dịch vụ khác bên trong trò chơi của người dùng/chơi; các nhãn hình (stickers) mà người sử dụng mua và gửi khi nhắn tin; và các tài khoản chính thức cho doanh nghiệp và giới nổi tiếng, những khách hàng trả phí để được gửi một gói tin nhắn quảng cáo. Tháng trước, Line cho biết, doanh thu trong quý IV/2013 của Công ty đã tăng hơn 5 lần, lên 12,2 tỷ yên (120 triệu USD), từ mức 2,2 tỷ yên một năm trước đó.

Theo Line, các tin nhắn quảng cáo được gửi từ các tài khoản chính thức khác với các quảng cáo truyền thống ở chỗ, người sử dụng chỉ nhận được chúng nếu họ chọn trở thành người đóng góp cho các tài khoản đó. 

{keywords} 

Một nữ phát ngôn viên của Line nói rằng, ứng dụng này đang khuyên các doanh nghiệp và giới nổi tiếng nên tránh gửi tin nhắn một cách quá thường xuyên và chỉ nên gửi tin nhắn ngắn. Nếu người sử dụng nghĩ rằng họ đang nhận được quá nhiều tin nhắn từ một tài khoản nhất định, họ có thể chặn tài khoản đó. Ở khía cạnh kinh doanh thì các tài khoản chính thức vận hành giống như các mẩu quảng cáo. Tại Nhật Bản, phí trả hàng tháng cho các tài khoản chính thức sẽ tăng lên nếu các doanh nghiệp và giới nổi tiếng sử dụng chúng để nhận thêm tiền đóng góp hay gửi thêm tin nhắn.

“Thay vì chỉ dựa trên một phương thức kinh doanh, chúng tôi đang cố gắng kết hợp các phương thức khác nhau”, Jun Masuda, Giám đốc chiến lược và marketing của Line, nói trong một cuộc họp báo ở Tokyo tuần trước.

{keywords} 

Kakao Talk, ứng dụng tin nhắn thống trị tại Hàn Quốc, cũng sử dụng biện pháp tương tự như Line để kiếm tiền.

Trò đồ họa nhiều màu sắc có tên gọi Anipang, mà người dùng chơi nó thông qua nền tảng tin nhắn, là một thành công lớn của Hãng. Kakao cũng tạo ra một phần doanh thu bằng cách để các nhãn hiệu và giới nghệ sỹ như ca sỹ “Gangnam Style” Psy gửi tin nhắn và cập nhật người ủng hộ.

Sirgoo Lee, đồng Tổng giám đốc của Kakao, nói rằng, ông đang thử nghiệm 7 đến 8 dự án mới nhằm tìm kiếm thêm nguồn doanh thu mới.

Masuda của Line cũng cho biết, Công ty đang nghiên cứu các dịch vụ khác, như thương mại điện tử và phân phối nhạc, để có thể kiếm thêm doanh thu trên nền tảng tin nhắn của mình.

{keywords} 

Tại Trung Quốc, WeChat, ứng dụng được phát triển bởi “người khổng lồ” Internet, Tencent Holdings, năm ngoái đã tích hợp thêm chức năng thanh toán điện tử cho ứng dụng phổ biến của mình – một bước để tiến tới việc kiếm tiền bằng các khoản phí nhỏ cho các giao dịch được thực hiện qua ứng dụng. Giống như Line và Kakao, WeChats cũng sử dụng trò chơi đồ họa để tạo nên một phần doanh thu.

Ngược lại, WhatsApp, ứng dụng tin nhắn từ Thung lũng Silicon (Mỹ), mà Facebook vừa đồng ý mua với giá 19 tỷ USD, đến gần đây vẫn hạn chế dịch vụ để đơn giản hóa các chức năng thông tin, và điều đó đã làm cho ứng dụng trở nên được ưa thích hơn với nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chiến lược này cũng hạn chế khả năng của Công ty trong việc kiếm tiền, mặc dù có 450 triệu người dùng hàng tháng. Doanh thu của ứng dụng này đứng ở mức 20 triệu USD trong năm ngoái. Hãng thu tiền người sử dụng sau một năm dùng miễn phí. 

{keywords} 

Với Facebook đứng đằng sau, WhatsApp có thể có thêm thời gian để phát triển cơ sở người dùng với mục tiêu kinh doanh dài hạn.

“Kiếm tiền không phải là ưu tiên của chúng tôi”, Giám đốc điều hành Jan Koum của WhatsApp nói tháng trước, sau khi thông báo thỏa thuận với Facebook. “Chúng tôi đang tập trung vào mục tiêu gia tăng số lượng người dùng”.

(Theo Tinnhanhchungkhoan)