Đời sống đồng bào DTTS cải thiện rõ nét

Trong những năm qua, nhằm thực hiện một cách hiệu quả Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các quy định của Trung ương cho phù hợp thực tế địa phương, ban hành chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và giảm nghèo bền vững cho 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2021.

{keywords}

Nông thôn mới vùng DTTS khởi sắc ở Sơn Động, Bắc Giang 

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách như: chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; chính sách định canh định cư theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng giai đoạn 2011 -2015, các nhóm chính sách về y tế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo...

Nhờ đó, qua 10 năm thực hiện công tác dân tộc (2011-2021), diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm nhanh (giai đoạn 2011-2015 trên 4%; giai đoạn 2016-2020 là 5,2%).

Cơ sở hạ tầng ở các xã thôn bản được đầu tư xây dựng đáp ứng dần nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân (đến nay có 100% thôn, bản có điện; 100% số xã vùng dân tộc, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm kể cả mùa mưa).

Tính đến hết tháng 5/2021 đã có 114/171 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt tiêu chí xã nông thôn mới; tỷ lệ các xã vùng dân tộc có nhà văn hoá xã đạt 84,82%; tỷ lệ người DTTS biết đọc, biết viết tiếng phổ thông 99,6%; người DTTS của tỉnh có thẻ bảo hiểm y tế 97,62%; tỷ lệ phụ nữ được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế người DTTS của tỉnh 99,3%; tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi 23,9%; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,6%.

Cùng với đó, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét; công tác giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; cơ bản giải quyết tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào DTTS; đáp ứng được nguồn nước sinh hoạt cho các hộ, giúp thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt của đồng bào vùng dân tộc, miền núi và góp phần nâng cao sức khỏe cho đồng bào trong khu vực.

Các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, các dân tộc được bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau phát triển, hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc, miền núi được vững mạnh, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ.

Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào các  dân tộc thiểu số trong tỉnh đối với Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả

Dự kiến trong giai đoạn tiếp theo (2021-2030), Bắc Giang tiếp tục quan tâm phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc nhằm phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc.

Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương và các chính sách hiện hành của tỉnh, trọng tâm là triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.

{keywords}

Hát đối đáp giao duyên của các dân tộc tại Lục Ngạn, Bắc Giang 

Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong vùng.

Cùng với đó, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị, huy động mọi nguồn lực, kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế và vốn xã hội hoá từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, các vấn đề tái định cư, nước sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân.

Thu hút đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động là người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng đất đai, lợi thế của từng vùng, bảo vệ và phát triển rừng.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công tác dân tộc, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất hàng hóa; phát triển giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề tạo việc làm trong vùng dân tộc thiểu số; quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, sinh thái vùng dân tộc, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phạm Bắc
Ảnh: Đàm An