Hiện nay tỉnh Bắc Kạn có 291 di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện, đánh giá và xây dựng kế hoạch bảo vệ, chia làm 7 loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.

Trong số đó có 1 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam); 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm một số di sản liên quan đến dân ca, dân vũ, dân nhạc như  “Hát Pá Dung của người Dao”, “Hát sli của người Nùng”, “Lượn Slương, lượn Cọi, lễ cấp sắc của người Tày”, “Nghệ thuật múa khèn của người Mông”,v.v...

Gắn với việc nắm giữ, truyền dạy và thực hành các di sản văn hóa phi vật thể nêu trên, tỉnh có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 7 Nghệ nhân Ưu tú.

{keywords}

Hát Then - đàn Tính tại Bắc Kạn 

Năm 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020”. Về phía Sở VHTTDL tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

Hiện Sở VHTTDL Bắc Kạn đã triển khai thực hiện 3 dự án thành phần gồm: dự án Tổng kiểm kê di sản văn hóa; dự án Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số; dự án Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Giai đoạn tiếp theo, Sở tiếp tục triển khai thực hiện 2 dự án còn lại gồm: Dự án Giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học; dự án Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp huyện, tỉnh.

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh với hàng trăm đội văn nghệ quần chúng cấp xã, phường, khối cơ quan, trường học, các lực lượng vũ trang tổ chức biểu diễn, sinh hoạt thu hút nhiều người tham gia.

Trên địa bàn tỉnh còn có một số câu lạc bộ (CLB) được Sở VHTTDL bảo tồn và duy trì hoạt động dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu. Chẳng hạn, huyện Na Rì có CLB hát Then - đàn Tính của người Tày thị trấn Yến Lạc, CLB hát Sli của đồng bào dân tộc Nùng xã Xuân Dương, CLB múa Khèn của người Mông xã Lương Thượng. Huyện Ba Bể có CLB hát Then - đàn Tính tại xã Nam Mẫu; huyện Pác Nặm có CLB múa khèn Mông tại xã Cổ Linh; v.v...

Nhiệm vụ cấp bách

Những năm qua, Bắc Kạn luôn quan tâm xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trọng tâm là phát triển du lịch.

Tuy nhiên, dù công tác bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc đã được các cấp, ngành Bắc Kạn triển khai khá tích cực nhưng đánh giá cho thấy hiệu quả đạt được chưa cao, nhất là việc quảng bá giá trị các loại hình dân ca, dân vũ và các di sản văn hóa khác để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa của một số dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một như tiếng nói, trang phục, chữ viết…; các giá trị văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số chưa được phát huy, thế hệ trẻ chưa tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình...

{keywords}
Bắc Kạn quyết tâm bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS

Trong khi đó công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có dân ca, dân vũ gắn với phát triển du lịch cộng đồng không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa, du lịch, nâng cao thu nhập cho nhân dân mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Do vậy, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bắc Kạn đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu như ưu tiên công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc.

Cùng với đó là triển khai có hiệu quả Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030”, với các nội dung nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình các đội văn nghệ dân gian, dân tộc ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số;

Tổ chức các ngày hội, giao lưu, hội thi, hội diễn cấp tỉnh và cấp huyện; Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các mô hình hay trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;

Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, nghi thức diễn xướng dân gian, các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền để truyền dạy cho lớp trẻ…

Có thể nói việc thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc cũng chính là góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung và dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số nói riêng.

Thu Hiền
Ảnh: Đàm An