Tỉnh Bình Định có 39 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với khoảng gần 42.000 người, chiếm 2,81% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS chủ yếu cư trú ở vùng rừng núi rộng lớn, có địa hình khá phức tạp, hiểm trở; trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời là Bana, H’rê và Chăm.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại khu vực này vẫn còn xảy ra thường xuyên do người dân còn nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả, tác động tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chịu ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu...

{keywords}
Một bản làng người dân tộc Ba Na ở Bình Định

Để giảm thiểu tình trạng này trong vùng đồng bào DTTS, những năm qua UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương có liên quan đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Một số giải pháp trọng tâm đã được đề ra.

Theo đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hướng dẫn, triển khai các hoạt động phù hợp với các yếu tố về văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tờ rơi, pa nô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu,… tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Cùng với đó, triển khai, nhân rộng mô hình điểm đối với địa bàn vùng DTTS có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Nhờ các giải pháp trên, tình trạng và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt qua từng năm: đến năm 2020 có 79 trường hợp tảo hôn, 6 tháng đầu năm 2021 có 27 trường hợp tảo hôn; không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Nhận thức của người dân về pháp luật hôn nhân và gia đình, kết hôn đúng độ tuổi, hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên cũng được tăng cường. Tình trạng tảo hôn ở một số xã trên địa bàn vùng DTTS đã được xóa bỏ hoàn toàn...

Nâng cao nhận thức của người dân để tự chuyển đổi hành vi

Giai đoạn 2021-2025, để hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh (giai đoạn II)”. Trong đó tập trung đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện như:

Tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại các địa phương, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 23/6/2021 của UBND tỉnh về Quy định thang điểm, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá” trên địa bàn tỉnh.

Về giải pháp tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình; viết tin, bài phỏng vấn, phóng sự, thiết lập chuyên trang, chuyên mục để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, phản ánh tình hình về mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra.

Quan trọng không kém là nâng cao nhận thức của người dân để tự chuyển đổi hành vi, đây là giải pháp vừa mang tính tích cực vừa mang tính bền vững: Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp Nhân dân, trọng tâm là pháp luật về hôn nhân và gia đình.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tuyên truyền linh hoạt bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế địa phương để người dân, nhất là người ở độ tuổi vị thành niên hiểu rõ các quy định của pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, những tác hại của việc tảo hôn.

Thu hút, tập hợp người ở độ tuổi vị thành niên vào các tổ chức hội, đoàn thể, các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Việc tuyên truyền cần được tổ chức thiết thực hơn như tổ chức các hội thi, đặt câu hỏi tại các buổi tuyên truyền, lồng ghép các buổi tuyên truyền vào các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tích cực vận động người dân trên địa bàn xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Thành lập điểm tư vấn về hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương để từng bước nâng cao dân trí, dần loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của các tập tục lạc hậu, trong đó có tảo hôn; chú trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững… cho người vị thành niên nghỉ học sớm.

Khi phát hiện các trường hợp tảo hôn, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, hội đoàn thể giải thích, vận động, lập biên bản đình chỉ, xử phạt hành chính theo quy định; nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì lập hồ sơ đề nghị xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm bảo vệ các quyền trẻ em cho những đứa trẻ là con của các cặp vợ chồng tảo hôn.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của địa phương cấp xã trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật, kèm theo chế tài cần thiết mang tính răn đe.

Phạm Bắc
Ảnh: Xuân An