{keywords}
Hàng triệu trẻ em đang phải học tập từ xa. 

Đưa sóng và máy tính đến 1,5 triệu học sinh cần hỗ trợ

Gần 2 năm sau khi Covid-19 bùng phát, dịch bệnh ngày càng lan rộng và không có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là với sự xuất hiện của chủng Delta có khả năng lây lan nhanh. Chính vì vậy, hàng triệu học sinh tại các tỉnh thành có dịch đang phải giãn cách không thể đến trường dù năm học mới đã bắt đầu. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị máy tính, mạng wifi tốc độ cao cho các con. Áp lực đè nặng lên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không chỉ có 1 mà thậm chí có vài con phải học trực tuyến. Điều này khiến cho trẻ khó tiếp cận với việc học tập từ xa.

Theo Bộ GD&ĐT, đến thời điểm ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giản cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.

Thấu hiểu khó khăn này, ngày 12/9, Lễ phát động Chương trình 'Sóng và máy tính cho em' do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp đã được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ kết nối với điểm cầu các tỉnh thành trên khắp cả nước với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính. 
 
'Sóng và máy tính cho em' được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngay tại lễ phát động, hơn 1 triệu máy tính đã được đăng ký trao tặng tới những học sinh gặp khó khăn học tập trực tuyến. Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ TTTT và Bộ GDĐT, 100% cước phí sẽ được miễn khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến. Năm 2021, tất cả những địa phương có học sinh học tập trực tuyến sẽ được phủ sóng Internet di động.  

Hành động thiết thực

{keywords}
Ngay tại lễ phát động ngày 12/9, hơn 1 triệu máy tính đã được đăng ký trao tặng.

  
Sau khi chương trình 'Sóng và máy tính cho em' được phát động, ngày 13/9, các nhà mạng đã đồng loạt triển khai các hoạt động hỗ trợ. Cụ thể, VNPT cam kết sẽ hỗ trợ 37.000 máy tính bảng để giúp học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 triển khai học trực tuyến. VNPT cũng cung cấp chương trình miễn phí giải pháp học và thi trực tuyến VNPT E-Learning cho toàn bộ các trường phổ thông, đại học; Miễn phí 4Gb dữ liệu di động/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến...   

Trong ngày 13/9, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ký công văn số 225/HĐTS-VP1 gửi Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; Tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện về việc hưởng ứng thực hiện chương trình 'Sóng và máy tính cho em' do Thủ tướng Chính phủ phát động giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong học trực tuyến.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử, các chùa, cơ sở tự viện phát tâm đóng góp ủng hộ chương trình với thông điệp "Máy tính cho em, ươm mầm trí tuệ". Theo đó, Tăng, Ni, Phật tử, các chùa, cơ sở tự viện ủng hộ bằng tiền, máy tính, điện thoại thông minh và liên hệ với Sở GD&ĐT địa phương thực hiện chương trình này. 

Sáng 16/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội cũng đã tổ chức lễ phát động chương trình 'Sóng và máy tính cho em' trên địa bàn thành phố, kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội và các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ kinh phí, thiết bị học trực tuyến. Mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ủng hộ ít nhất 1 ngày lương. Các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ bằng kinh phí, hiện vật tùy theo khả năng, điều kiện. Ngay trong lễ phát động sáng 16/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội đã tiếp nhận 460 triệu đồng tiền mặt và 3.000 thiết bị học trực tuyến từ Thành đoàn Hà Nội và 8 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Trước 'Sóng và máy tính cho em', Bộ GDĐT cũng đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn số 3961/BGDĐT-CĐN phát động quyên góp, ủng hộ 'Máy tính cho em' nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Đây là những chương trình có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, lan tỏa lòng nhân ái. 'Sóng và máy tính cho em' thể hiện tinh thần sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau vốn đã trở thành truyền thống của người Việt, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn.

Lê Hạnh
Ảnh: Đàm An