Chiêm Hóa có 18 dân tộc anh em như: Kinh, Tày, Dao, Hmông, Nùng, Hoa, Pà Thẻn, Mường, Sán Dìu, Sán Chỉ, Thái, Thủy.. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc.

Theo cổng thông tin điện tử huyện Chiêm hóa, tài liệu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2013 của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, cho thấy: bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) bị mai một hoặc biến đổi nhanh chóng, thậm chí có dân tộc không tìm được các nét văn hóa đặc trưng.

Cụ thể, về trang phục truyền thống: hiện nay, các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Chiêm Hóa nói riêng vẫn sử dụng trang phục của dân tộc mình nhưng chủ yếu là trang phục nữ của người Pà Thẻn (xã Linh Phú); phụ nữ Dao đỏ (xã Trung Hà, Bình Phú), Dao tiền (xã Kim Bình, Tri Phú, Hà Lang); người Mông (xã Tri Phú)... và chỉ được sử dụng vào dịp lễ, tết, cưới hỏi, cúng bái và biểu diễn văn nghệ, tuy nhiên trang phục của các DTTS hầu như không còn nguyên bản, nhất là vải may trang phục truyền thống trước đây là vải tự dệt, nhuộm chàm hoặc nhuộm bằng củ nâu, hiện nay trang phục được may bằng vải công nghiệp bán sẵn, bởi do việc may bộ trang phục truyền thống tốn rất nhiều thời gian và công sức, từ việc trồng bông, dệt vải cho đến khi chế tác thành sản phẩm.

{keywords}
Phụ nữ Dao Đỏ thôn Khau Hán tự thiết kế trang phục 

Bên cạnh đó, việc sử dụng trang phục truyền thống đồng bào cho rằng không tiện lợi trong sinh hoạt. Đối với tiếng nói trong cộng đồng các DTTS cũng đang đứng trước nguy cơ biến đổi và mai một, bởi do làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập với hàng trăm các kênh truyền hình giải trí ngày càng tác động sâu rộng và mạnh mẽ vào môi trường sống của đồng bào các dân tộc, làm cho không gian văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của các dân tộc cũng thay đổi theo.

Mặt khác, những người am hiểu về văn hóa truyền thống các dân tộc tuổi ngày càng cao, già yếu, đáng lo ngại hơn là một số dân tộc chưa có ý thức quan tâm lưu giữ, kế tục, sử dụng và truyền dạy cho các thế hệ sau.

Trong bối cảnh đó, Huyện Chiêm Hóa xác định, việc giữ gìn và bảo tồn trang phục, tiếng nói trong cộng đồng các dân tộc ở huyện vùng cao là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, cần được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; tạo điều kiện để các dân tộc bình đẳng, tăng cường đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

{keywords}
Đồng bào Tày ở Chiêm Hóa vẫn tiếp tục gìn giữ và truyền nghề làm đàn tính.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, trong những năm qua, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức sưu tầm, khai thác những làn điệu nghệ thuật văn hóa mang sắc thái từng dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng tổ chức hàng năm như: lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày ở các xã, lễ Cấp sắc và lễ Cầu mùa của dân tộc Dao, mở các lớp truyền dạy hát Then, đánh đàn tính, đưa hát Then - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào trường học để giữ gìn. Huyện Chiêm Hóa còn xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống một số dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020; kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hát then, đàn tính trên địa bàn huyện Chiêm Hóa giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời thực hiện Đề tài nghiên cứu bảo tồn hát then, cọi gắn với việc xây dựng Làng văn hóa du lịch tại thôn An Thịnh, xã Tân An; thực hiện đề án bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc tày gắn với khu di tích lịch sử Kim Bình và phát triển dịch vụ du lịch tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình.

Đình Thành (tổng hợp)

Ảnh: Hà Sơn