{keywords}

Trong kho tàng di sản vật thể và phi vật thể triều đình nhà Nguyễn để lại, tranh gương là một trong những di sản khá đặc biệt, vừa mang tính vật thể, lại vừa phi vật thể. Hiện tranh gương vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân đất cố đô.

Tranh gương (hay tranh kính) có giá trị còn lại hiện nay đều là sản phẩm của triều Nguyễn để lại. Chúng được trưng bày tại nhiều nơi, như tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (Nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), các cung điện, lăng tẩm, đền miếu và lạc cả ra ngoài địa bàn các di tích.

{keywords}

Tranh gương cung đình Huế là một loại hình tranh mang bản sắc riêng của Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng. Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ, thực sự là những bức tranh độc lập. Về chất liệu thì loại tranh này dùng chất liệu là bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương (vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt gương - tức vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản).

Tranh gương Huế hiện đang được trưng bày, cất giữ tại khá nhiều nơi. Trên địa bàn di tích tranh gương hiện có tại các di tích sau: Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (điện Long An và kho hiện vật), cung Diên Thọ (điện chính), lăng Minh Mạng (điện Sùng Ân), lăng Thiệu Trị (điện Biểu Đức), lăng Tự Đức (điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm), lăng Đồng Khánh (điện Ngưng Hy) và điện Huệ Nam (điện Hòn Chén).

Ngoài địa bàn di tích tranh gương còn có tại Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế, tại sưu tập riêng của ông Trần Đình Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh)…

{keywords}

Chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế cơ bản gồm 3 loại chính. Thứ nhất là loại tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế là loại tranh vịnh cảnh. Loại tranh thứ 2 không đề thơ, minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa. Loại thứ 3 là tranh vẽ tĩnh vật. Tranh gương dân gian cũng được vẽ theo lối vẽ tỉ mỉ, độc đáo, có bức vẽ màu, có bức vẽ đen trắng hoặc vẽ trên lớp cẩn xà cừ. Tuy nhiên hại tại không ai vẽ tranh gương như là một tác phẩm nghệ thuật, cũng không vẽ theo lối vẽ cảnh, tích tuồng mà chủ yếu là tranh thờ cúng. Ở Huế vẫn cò nhiều người theo nghề vẽ tranh trên gương, cho thấy vai trò của loại hình tranh dân gian này trong đời sống tâm linh của người dân cố đô.

Tranh tôn giáo, tín ngưỡng là thể loại khá nổi bật của tranh gương Huế. Đó là tranh thờ Phật, vẽ chân dung Phật Bà, Phật Tổ, Thập bát La Hán... Ngoài ra còn có các bộ tranh về sự tích Phật giáo (Phật tổ sinh ra đời, Phật bay qua sông, Phật cởi (cưỡi) ngựa ra khỏi kinh thành…).

{keywords}

Bên cạnh đó còn có tranh thờ cúng tổ tiên với hai dạng: hoành phi và tranh cảnh dựng (thường đặt ngay trung tâm của bàn thờ gia tiên) Loại hình thứ ba là tranh thờ gia thần (tranh vẽ Võ vương Hành khiển, ông Tử Vi, Ngũ công Phật, Tranh thờ bếp, Tranh Tiên sư - Thổ công - Táo quân). Đặc biệt hơn cả là Tranh thờ trang Bà: theo tín ngưỡng dân gian Huế, bé gái trong gia đình khi 13 tuổi thì được lập một trang thờ bà, gọi là trang Bà. Có ít nhất 36 dạng biến thể khác nhau của tranh thờ trang Bà.

Các chủ đề của tranh gương Huế phản ánh đời sống tâm linh độc đáo và đa dạng của người Huế. Ở đó, có sự pha trộn của Phật giáo, Đạo giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu… tồn tại cả ngàn năm qua trong đời sống tâm linh của người Việt.

Hiện nay đã có những nỗ lực bước đầu nhằm phục chế một số bức tranh đã bị xuống cấp để đem ra tái trưng bày, nhưng chưa đạt được kết quả khả quan lắm. Đây là điều rất đáng lo vì vẫn còn không ít bức tranh gương quý đã hư hỏng trầm trọng vẫn chưa được tu sửa. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải có sự đầu tư nghiên cứu nhằm phục hồi cả kỹ thuật phục chế tôn tạo loại tranh độc đáo này. Việc nghiên cứu nguồn gốc và kỹ thuật làm tranh gương có thể đưa lại nhiều gợi ý rất tốt cho việc bảo tồn và phục hồi công nghệ làm tranh gương cung đình.

Hồng Nhì
Ảnh: Thanh Bình
Video: Hồng Khanh, Thu Hằng, Xuân Quý

15/11/2021 06:59