Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy Lào Cai về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.

Theo đó, sau 3 năm triển khai, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến tích cực.

Trong 3 năm đã tuyên truyền, vận động, ngăn chặn được 659 người có ý định tảo hôn, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào DTTS.

Có thể nói công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được triển khai thường xuyên gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Để đạt được kết quả này, những năm qua, Lào Cai đã thực hiện đa dạng nhiều giải pháp như: Ban hành Chỉ thị về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng, phát huy hiệu quả hàng trăm mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền trong nhân dân về những hệ lụy xảy ra;

Các cấp chính quyền đã nêu cao trách nhiệm trong thực hiện quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; đưa mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình, kế hoạch hoạt động của chính quyền;

Các đơn vị trường học THCS, THPT chủ động đưa nội dung giáo dục giới tính, Luật hôn nhân và Gia đình, hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép vào các môn học, các sinh hoạt nhà trường.

V.v...

{keywords}

Đám cưới người Giáy ở Sa Pa, Lào Cai 

Những giải pháp trên đã góp phần nâng cao nhận thức trong đồng bào DTTS, từng bước ngăn chặn tập tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống lạc hậu.

Đặc biệt, một trong những giải pháp hiệu quả đang được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh áp dụng là phát huy vai trò của những người có uy tín, trong đó có các ông mai, bà mối.

Phát huy vai trò đặc biệt của ông mai, bà mối

Nhiều năm qua, đội ngũ này đã trực tiếp tham gia cải tạo, bài trừ hủ tục, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bảo tồn, lưu giữ, truyền lửa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc.

Thực tế cho thấy, ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng là người có vai trò rất quan trọng, am hiểu tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng từng dân tộc. Vì vậy sức ảnh hưởng, lan tỏa của họ đối với cộng đồng rất lớn.

Trong đời sống của phần đông người DTTS tại Lào Cai, đám cưới tổ chức không thể thiếu ông mai, bà mối. Không có sự chứng kiến, đồng ý của ông mai, bà mối, dù đôi lứa có yêu thương nhau, về chung sống với nhau thì vẫn không được cộng đồng công nhận nên vợ, nên chồng.

Nét văn hóa đó của cộng đồng một số dân tộc vùng cao đã mở ra một “giải pháp mềm”, đó là vận dụng vai trò của những ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng để ngăn chặn tảo hôn.

{keywords}

Phòng chống tảo hôn sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS. 

Từ nhiều năm nay, các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống đã thường xuyên phối hợp tổ chức các hội nghị gặp mặt các thầy mo, thầy cúng, thầy then, ông mai, bà mối nhằm vận động, tranh thủ lực lượng này cam kết từ chối không xem ngày cưới, ăn hỏi cho đối tượng chưa đủ tuổi kết hôn, góp phần vào việc hạn chế nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.

Nhờ vận động, tuyên truyền, rất nhiều ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng đã ký cam kết không tổ chức nghi lễ kết hôn cho các cặp đôi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Không những thế, họ còn trở thành những “tuyên truyền viên” tuyên truyền, giảng giải Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như phân tích cho cộng đồng dân tộc tại địa phương những hệ lụy khi kết hôn sớm.

Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, những người có uy tín đứng ra “làm lý” cho các cặp kết hôn khi chưa đủ tuổi cũng sẽ bị xử phạt bằng chính quy ước, hương ước thôn, bản.

Với những biện pháp linh hoạt được triển khai, đến nay tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giảm thiểu rõ rệt. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã cơ bản chấm dứt.

Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tập hợp, động viên, định hướng hoạt động, tiến đến quản lý, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng hỗ trợ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tuyên tuyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu trong việc việc cưới, việc tang, lễ hội nói chung và phòng, chống tảo hôn nói riêng.

Thu Hiền
Ảnh: Đàm An