Phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo

An Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ, khu vực ĐBSCL, có đường biên giới dài gần 100km, giáp với tỉnh Tà keo và Kandal (Campuchia). Tỉnh có 28 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer, Chăm, Hoa với 119.219 người, chiếm 5,26% dân số và 25 dân tộc thiểu số khác với 896 người cùng chung sống. Về tôn giáo, bao gồm 12 tổ chức, hệ phái tôn giáo, tín đồ tôn giáo chiếm khoảng 70,31% dân số toàn tỉnh. Đặc biệt, An Giang là nơi khai đạo của 3 tôn giáo: Phật giáo Hòa Hảo, Tứ ân Hiếu Nghĩa và Bửu sơn Kỳ Hương.

Ông Nguyễn Văn Tát, Trưởng ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh cho biết, ban đại diện thường xuyên tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần cùng địa phương trong việc giữ gìn đạo đức, xây dựng nếp sống văn minh, nhân đạo từ thiện - xã hội.

Bà con tín đồ đã đăng ký với chính quyền địa phương để triển khai các hình thức vận động quyên góp tiền, hiện vật, công sức cất nhà Tình thương, tu sửa cất mới cầu, đường, rải cát chống lầy, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, phát động nắm gạo tình thương, hòm miễn phí, đất nghĩa trang an táng người qua đời, bếp ăn tình thương phục vụ trường học và bệnh viện, cộng đồng dân cư… Từ năm 2014-2019, tính riêng tỉnh An Giang, công tác từ thiện góp phần an sinh xã hội quy thành tiền là 500 tỷ đồng.

Tại huyện Tri Tôn, hiện nay tất cả các điểm chùa đã và đang được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp, các hoạt động tôn giáo, lễ hội truyền thống được quan tâm. Ngoài việc chăm lo xây dựng nhà chùa, các chức sắc, sư sãi trụ trì, quản lý các chùa, các ta a cha, ban quản trị các chùa còn tích cực tham gia xây dựng phát triển phum, sóc, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, tham gia thực hiện tốt các phong trào của địa phương, đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

{keywords}
Thánh đường Hồi giáo Mubarak – nơi tôn nghiêm trong tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Chăm theo Hồi giáo.

Hòa thượng Châu Sơn Hy (Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Tri Tôn) cho biết, Ban Trị sự thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, cảnh giác trước âm mưu lôi kéo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết của các phần tử xấu. Các vị chức sắc ở 37 chùa Khmer tích cực vận động phật tử tham gia xây dựng đường bê-tông nông thôn, thắp sáng đèn đường trong khu vực phum, sóc, đóng góp kinh phí thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Tất cả các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống đều có trường mầm non, tiểu học, THCS, quy mô giáo dục và đào tạo từng bước được mở rộng. Bên cạnh đó, các chùa Nam tông Khmer còn tổ chức đào tạo các lớp sơ cấp Pa-li, dạy chữ Khmer cho con em đồng bào DTTS vào dịp hè.

DTTS Chăm ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu) thường xuyên sinh hoạt tôn giáo ở 4 thánh đường và 11 tiểu thánh đường. Các ngày lễ của tôn giáo được tổ chức trang trọng, vui tươi, trở thành nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Ngoài sinh hoạt tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc còn lồng ghép phổ biến chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và của địa phương, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng thêm lòng tin của cộng đồng dân tộc đối với Đảng, nhà nước.

Đồng bào DTTS Chăm ở xã Châu Phong tập trung chủ yếu ở 3 ấp: Phũm Soài, Hòa Long, Châu Giang, với 1.111 hộ (4.665 nhân khẩu) đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục phát triển nguồn nhân lực, xây dựng gia đình văn hóa.

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm, chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời thể hiện đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Trong đó, việc cất mới nhà ở cho đồng bào chính sách trong đồng bào dân tộc được quan tâm. Đồng bào DTTS Chăm còn thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường, trật tự xã hội”, hệ thống đèn chiếu sáng nông thôn được thực hiện 100% ở các ấp, tạo mỹ quan về đêm. Đồng bào DTTS Chăm còn thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; đăng ký thi đua gắn với đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; tuyên truyền lồng ghép với diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” trong đồng bào dân tộc…

Chính sách dân tộc triển khai đồng bộ, hiệu quả

TP. Châu Đốc, địa phương với người Hoa chiếm đa số (khoảng 3.540 người). Đa phần người Hoa tại Châu Đốc sinh sống ở trung tâm thành phố, chủ yếu hoạt động kinh doanh, thương mại và sản xuất thủ công. Người Hoa với chữ “tín” đặt lên hàng đầu và tinh thần đoàn kết sâu sắc đã giúp cho cộng đồng này ngày càng phát triển về mặt kinh tế, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thành phố.

Người Hoa ở An Giang cũng như các nơi khác đều có các điểm tương đồng từ lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng, nghề nghiệp và đặc trưng truyền thống. Song, mỗi nhóm người Hoa lại có nét riêng trong sinh hoạt, phong tục, tín ngưỡng. Đó chính là vì trải qua quá trình lịch sử, để chống lại sự đồng hóa từ bên ngoài, người Hoa thường liên kết lại trong một quần thể tụ cư riêng biệt. Những hội quán, trường học, nghĩa trang cho từng nhóm cộng đồng người Hoa trước năm 1975 là ví dụ điển hình. “Sự cho phép thành lập các hội đoàn người Hoa theo mô hình của tỉnh An Giang đã thu hút sự quan tâm đối với các tỉnh, thành phố lân cận.

Đến nay, người Hoa trong tỉnh đều tham gia vào đoàn thể mặt trận các cấp; được UBND tỉnh cho phép thành lập 3 Hội Tương tế người Hoa ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu. Chính sách của Đảng và chính quyền An Giang đối với dân tộc thiểu số trong tỉnh như thế rất được trân trọng. Hội đoàn người Hoa theo mô hình này là một tổ chức đầu tiên được thành lập ở các tỉnh, thành phố trong nước, là cầu nối đắc lực giữa đồng bào dân tộc thiểu số người Hoa sống tại địa phương với Đảng và nhà nước.

{keywords}
Chùa Ông Bắc còn gọi là Bắc Đế Miếu, được xem như cơ sở thờ tự của những người Hoa di cư từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đến sinh cơ lập nghiệp tại An Giang. 

Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết: “Song song với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, TP. Châu Đốc xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Từ đó, đã huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm tích cực giảm nghèo. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là người DTTS kết hợp với triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc và an sinh xã hội”.

Những năm qua, với sự tập trung đầu tư của Đảng, nhà nước từ các Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… thành phố đã xây dựng những công trình thiết yếu, như: cầu, đường, trường, trạm y tế, điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới… Từ đó, cơ sở hạ tầng nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng cao, công tác giảm nghèo tại địa phương đạt hiệu quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của TP. Châu Đốc còn 0,25% và không còn hộ nghèo là đồng bào DTTS.

Ở huyện miền núi Tịnh Biên nơi có gần 28.000 người DTTS Khmer sinh sống, các chính sách dân tộc được quan tâm thực hiện khá tốt thời gian qua.

Những năm qua, huyện Tịnh Biên đã thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, như: Chương trình 135, Chương trình 134, chính sách hỗ trợ hộ DTTS đặc biệt khó khăn, chính sách bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, văn hóa các DTTS… Thông qua các vị hòa thượng, thượng tọa, sư sãi, à cha, UBND huyện Tịnh Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đến với đồng bào DTTS Khmer. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật trong đồng bào DTTS, tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa các dân tộc để cùng xây dựng quê hương.

Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền và đoàn thể, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện Tịnh Biên giảm từ 2% trở lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay, toàn huyện có trên 7.200 học sinh là đồng bào DTTS Khmer. Các em được miễn học phí theo chính sách và hưởng chế độ theo quy định khi được tuyển vào học các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

{keywords}
Thông qua các vị hòa thượng, thượng tọa, sư sãi, à cha, UBND huyện Tịnh Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đến với đồng bào DTTS Khmer ở An Giang

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Chính phủ để giải quyết kịp thời những khó khăn, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS Khmer địa phương. Tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền sẽ tiếp tục mang đến cuộc sống sung túc hơn hơn cho đồng bào DTTS Khmer, cùng phấn đấu đưa quê hương Tịnh Biên ngày càng phát triển” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Trần Bá Phước khẳng định.

Để tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh phối hợp tốt với các tổ chức thành viên triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có mục tiêu và trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở. Qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, MTTQ các cấp trong tỉnh chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân gắn với việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… UBMTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên triển khai đồng bộ, sâu rộng Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), (khóa XII) trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, với nhiều nội dung và cách làm thiết thực. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt tự tu dưỡng, rèn luyện và gương mẫu thực hiện, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, trong lối sống.

Một số địa phương, như: TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Tịnh Biên, Châu Thành... có nhiều mô hình và phương pháp tuyên truyền hiệu quả, mang lại kết quả tích cực. Qua công tác tuyên truyền đã tạo được sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

Ông Nguyễn Tiếc Hùng cho hay, thời gian tới, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa cách thức tuyên truyền, vận động và tập hợp các tầng lớp nhân dân theo hướng linh hoạt, sinh động, phù hợp với đặc điểm về nhận thức, tâm lý của từng đối tượng. Phát huy tốt vai trò của những người tiêu biểu, người có uy tín trong việc vận động đồng bào dân tộc, tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Ngoài ra, đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội…

Lê Dương

Ảnh: Lệ Yên