{keywords}{keywords}
{keywords}
{keywords}

Ngày đầu tháng 10 vừa qua, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ tàu C235; cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh tại bến Hòn Hèo.

Tại đây, thế hệ trẻ Khánh Hòa đã dâng hương tưởng niệm và thả hoa trên biển tri ân các anh hùng liệt sĩ tàu C235 và các anh hùng, liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận chiến trên biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) của tàu C235 ngày 1-3-1968 là một trong những trang sử bi tráng nhất.

Sau sự kiện Vũng Rô, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được địch kiểm soát rất gắt gao. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh (quê Điện Bàn, Quảng Nam) được Đoàn 125 tin tưởng giao chỉ huy tàu C235 đi Hòn Hèo vì là người dày dạn kinh nghiệm với 11 chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam.

Theo các cựu binh tàu C235, bến Hòn Hèo là một lựa chọn cực kỳ mạo hiểm, mang tính bất ngờ cho kẻ địch nên mọi việc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Để chuẩn bị cho chuyến đi vào Hòn Hèo, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã vạch ra 3 phương án tác chiến, tổ chức tập ở khu vực bến Bính (Hải Phòng) 15 ngày đêm, dự kiến mọi tình huống.

{keywords}

53 năm trước, ngày 6/2/1968, tàu C235 từ đảo Hải Nam, Trung Quốc lên đường đi Hòn Hèo. Thế nhưng, trên đường đi tàu bị địch bám theo nên Sở Chỉ huy lệnh cho tàu quay về cảng A3 (Hải Khẩu, đảo Hải Nam). Ở đây, tàu C235 được sơn màu khác, thay số hiệu, kiểm tra lại máy móc để chuẩn bị xuất phát…

{keywords}

Đêm 27/2/1968, từ Hải Khẩu, tàu C235 xuất phát lần 2 đi bến Hòn Hèo. Tối 29-2-1968, khi tàu chuyển hướng vào bờ, máy bay trinh sát của địch bám theo. Các tàu tuần dương của địch cũng được gọi đến để truy đuổi.

Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lệnh cho tàu tắt hết đèn, luồn lách qua đội hình tàu địch để hướng vào bến Hòn Hèo. Không bắt được tín hiệu của bến, chỉ huy tàu C235 quyết định thả hàng để lực lượng của bến sẽ vớt sau.

{keywords}

Đến tối 29/2/1968 khi tàu chuyển hướng vào vùng biển Khánh Hòa thì bị lộ. Địch điều 7 tàu chiến để bao vây hòng bắt sống tàu của ta.

Đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nên thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu tăng tốc chạy vào gần bờ, bình tĩnh chỉ đạo thả hàng, tổ chức chiến đấu ngoan cường. Khi biết không thể thoát khỏi vòng vây của địch, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hội ý với chính trị viên, quyết định cho nổ tàu để không lọt vào tay địch.

Cựu binh Lê Duy Mai - thợ máy tàu C235 vẫn còn nhớ như in, “anh Vinh lệnh cho cán bộ, chiến sĩ bị thương rời tàu bơi vào bờ, còn mình cùng thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại điểm hỏa cho nổ tàu. Sau khi vào bờ, hai anh kiên cường chống trả quân địch để cho chúng tôi rút lui lên núi, tìm con đường sống…”.

Ngày 1/31968, 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 (bao gồm thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh) đã hy sinh trong trận chiến cảm tử ở Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Hơn 50% số hàng đã được lực lượng ở bến trục vớt thành công. Trận chiến bi tráng ấy đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng nhất về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. 

{keywords}

Trong số 6 chiến sĩ còn sống, có 5 người may mắn được du kích địa phương tìm thấy và đưa về căn cứ, 1 người bị địch bắt khi đi tìm nước uống (được trao trả năm 1973).

Ông Hà Minh Thật - nguyên thủy thủ tàu C235 kể: “thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và anh Ngô Văn Thứ đã chiến đấu ngoan cường kìm chân địch để chúng tôi rút lên núi. Bao năm nay tôi mong được gặp người thân của các đồng đội, nhất là người thân của liệt sĩ Nguyễn Minh Hải – người đã làm nhiệm vụ thay tôi nên đã hy sinh”.

Bà Phạm Thị Hường, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa chính là người cưu mang, săn sóc 5 chiến sĩ (gồm các anh: Nguyễn Duy Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật) sống sót thần kỳ sau 13 ngày đêm không thức ăn, nước uống.

"Thời điểm tàu bị phá bỏ, ánh sáng rực đỏ cả bầu trời, chúng tôi ở trên đất liền được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng nhưng khi tàu C235 vào, địch công kích liên tục vào bến, đốt phá cả trạm y tế nên không thể nào ra được. Các đồng đội trực ở bến tứ tán, tránh bị địch phát hiện. Tôi bị lạc 2 ngày đêm trong rừng, không có thức ăn, chỉ uống nước suối để cầm cự, sau đó trên đường trở về tìm thấy các anh" bà Hường vẫn nhớ như in.

{keywords}

Từ núi Hòn Hèo trở xuống làng, bà đã cố gắng tìm lương thực bằng cách đào khoai mài, khoai khai về luộc cho các chiến sĩ. Lo các anh lạnh và bị muỗi đốt, bà Hường đi nhặt dù pháo sáng của địch may từng cái võng cho các anh nằm. “Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in, lúc chia tay trở về Bắc, các anh còn nắm chặt tay tôi, khóc và nói sẽ lưu giữ những chiếc võng do tôi làm để làm kỷ niệm”, bà Hường kể.

Cùng với bà Hường, ông Nguyễn Bá Cường (nguyên Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa, nay là thị xã Ninh Hòa) khi đó là y tá Trạm xá Hòn Hèo, kể, sau khi được người của bến Hòn Hèo đón, hơn nửa số thành viên tàu C235 bị thương và đều trong tình trạng kiệt sức nặng. Khi được đưa đến Trạm xá Hòn Hèo, các anh chỉ còn da bọc xương, hai hốc mắt trũng sâu vì nhịn đói, nhịn khát nhiều ngày. Khi đó, bằng mọi thứ có ở Trạm xá, mọi người cố gắng cứu chữa để các anh mau lại sức. Sau một thời gian dài chăm sóc, các anh đã khỏe và trở lại miền Bắc công tác.

Năm 1970, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1993, Lữ đoàn 125 đã xây dựng tấm bia kỷ niệm sự kiện tàu C235 tại bến Hòn Hèo. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận địa điểm lưu niệm tàu C235 là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. 

Hoàng Hiệp, Thế Long, Bích Hạnh

05/12/2021 06:43 (GMT+07:00)